Hôm nay, ngày 18/3/2021, tròn 2 năm Tập đoàn Đèo Cả tiếp nhận dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thời điểm đó, dự án đang bị chậm tiến độ qua nhiều năm do có những khó khăn, vướng mắc trong việc huy động vốn và do năng lực của các nhà đầu tư cũ.
“Xây đi xây lại xây hoài không xong…”
Đó là câu nói ví von của đại biểu Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về con đường cao tốc này. Bởi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ dài 51,1km, được khởi công từ tháng 11/2009 nhưng hết năm 2018 mới chỉ làm được hơn 10% khối lượng công trình dù công tác giải phóng mặt bằng đã đạt tới 98%.
Vướng mắc lớn nhất là phương án tài chính bị phá vỡ, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn, dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng. Bên cạnh đó, những thay đổi của Luật Quản lý tài sản công nên nguồn doanh thu thu phí tại Trạm thu phí đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được, rồi 1 trong 6 thành viên liên danh nhà đầu tư liên quan đến nhiều vụ án hình sự…
Đứng trước bế tắc đó, các nhà đầu tư Dự án đã đề xuất Bộ GTVT mời doanh nghiệp có đủ năng lực là Tập đoàn Đèo Cả vào tham gia quản trị, điều hành dự án trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện các dự án hạ tầng giao thông và đặc biệt là đã “giải cứu” thành công dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, một dự án có những vướng mắc tương đồng với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Kết quả 2 năm “nhập cuộc”
Ngay sau khi tiếp nhận dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã “nhập cuộc” với quyết tâm “Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”, trong vai trò quản trị, điều hành dự án, Đèo Cả đã nghiên cứu lựa chọn các giải pháp kỹ thuật tối ưu, điều chỉnh thiết kế… đưa ra giải pháp tổ chức thi công để bù đắp tiến độ thực hiện đã bị chậm trước đây.
Tập đoàn Đèo Cả đã kiện toàn lại năng lực bộ máy quản trị điều hành, loại bỏ nhà đầu tư 0 đồng, nhà thầu kém năng lực; bố trí nhân sự giàu kinh nghiệm để tổ chức vận hành dự án; sau đó là giải quyết hàng loạt vấn đề khác liên quan đến nguồn vốn. Đến cuối tháng 9/2019, trong chuyến kiểm tra thực địa ở công trường dự án, Thủ tướng Chính phủ đã trao quyết định giao vốn NSNN ngay tại công trường và Thủ tướng chỉ đạo phải thông tuyến trước 31/12/2020.
Với quyết tâm làm việc “3 xuyên”: “xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch”, vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết, hạn, xâm nhập mặn, nguồn nguyên liệu khan hiếm … hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân vẫn thay ca nhau bám sát công trường, biến thách thức thành cơ hội, biến sự hoài nghi thành động lực, lấy lại lòng tin đã mất của khoảng thời gian 1 thập kỷ về trước.
Nút giao Thân Cửu Nghĩa, điểm tiếp nối vào cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương
Tập đoàn Đèo Cả đã đưa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến đúng tiến độ trước 31/12/2020 theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong lễ cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Tôi đánh giá cao Tập đoàn Đèo Cả làm được nhiều công trình do biết cách làm việc như từ hầm Đèo Cả lần đầu tiên người Việt Nam thiết kế và thi công, đến Đèo Hải Vân, đường Bắc Giang - Lạng Sơn và sắp tới có thể có một số tuyến quan trọng, các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Một Việt Nam thịnh vượng không thể không có những đơn vị tầm cỡ quốc tế như là Tập đoàn Đèo Cả”.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông, để hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2021, dự án vẫn còn khối lượng công việc rất lớn. Với tinh thần quyết tâm, minh bạch, hiệu quả như khi mới vào tiếp nhận, Tập đoàn Đèo Cả tự tin sẽ đưa dự án về đích đúng hẹn.
Trần Anh