Cận cảnh cao tốc 12.000 tỷ đồng nối TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang trước ngày thông xe

03/11/2021     213

Sau 12 năm với nhiều lần gián đoạn, đổi chủ đầu tư, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng hoàn thành 85% và chuẩn bị thông xe vào ngày 30/11.

Tính đến hết tháng 10, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành 85%. Đây là tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng; dài 51,5 km; rộng 17 m với 04 làn xe, mỗi làn 3,5 m. Trong ảnh là điểm đầu cao tốc, nút giao Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang). Hiện nút giao này đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn thiếu hệ thống chiếu sáng và thông tin liên lạc.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp thực hiện dự án) cho biết dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn nhưng đơn vị cố gắng đảm bảo tiến độ công việc đã đề ra.

Hiện hơn 1400 công nhân đã được tiêm 2 mũi vaccine. Họ chia làm 3 ca để làm việc suốt ngày đêm nhằm đảm bảo thông xe trước ngày 30/11.

41/51 km đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được trải nhựa. 10 km còn lại nằm trên địa bàn huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy.

Tại công trường, công nhân được huy động để gia cố mặt đường, trải đá dăm. Sau đó, các máy móc cỡ lớn sẽ trải thảm nhựa.

39 cây cầu trên toàn tuyến cơ bản đang được thi công. Trong ảnh là cầu DT 868 trên địa bàn thị xã Cai Lậy.

Bên cạnh việc trải nhựa, công nhân cũng tích cực lắp đặt hệ thống biển báo, hàng rào, hệ thống chiếu sáng.

Ông Nguyễn Tấn Đông cho biết công ty đã phải tạm ứng 500 tỷ đồng do nhiều nhà thầu gặp khó khăn do dịch Covid-19 nên không đủ nguồn vốn tham gia dự án.

Vấn đề lớn nhất của tuyến cao tốc nối TP.Hồ Chí Minh - Tiền Giang là đề án thu phí vẫn chưa được phê duyệt và chưa xác định được thời gian thu phí. Vì thế, khi dự án Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ không thể đưa vào khai thác do chưa kết nối với hệ thống thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Dự án được khởi công vào năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực, công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và cả cơ quan quản lý, dự án được giao cho UBND tỉnh Tiền Giang. Chủ đầu tư mới là Tập đoàn Đèo Cả. Vốn dự án được điều chỉnh giảm từ 14.000 tỷ đồng xuống 12.000 tỷ đồng.

Theo Pháp luật và Bạn đọcCopy link

Nguồn:

https://kinhtethitruong.vn/can-canh-cao-toc-12000-ty-dong-noi-tp-ho-chi-minh-tien-giang-truoc-ngay-thong-xe-a87859.html