Bỏ trần mức phí qua trạm BOT xây mới?

03/12/2018     140

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc áp dụng quy định mức phí tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án xây dựng tuyến đường BOT độc lập, song song với tuyến đường hiện hữu đang bộc lộ bất cập, cần sớm sửa đổi

Đây là một trong những nội dung được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra bàn thảo tại cuộc họp giao ban tháng 11, tổ chức hôm 28-11.

Nhà đầu tư quyết định mức phí?

Tại cuộc họp này, Bộ GTVT cho biết việc triển khai Nghị định 149/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh (dự án BOT) đang bộc lộ bất cập, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Theo đó, các tuyến BOT dù được xây dựng mới, song song với tuyến đã có nhưng chỉ được thu với mức phí tối đa cụ thể (theo lượt, tháng, quý) đối với phương tiện. Cơ chế này khiến đường BOT cao tốc, hầm đường bộ không khác quốc lộ do nhà nước đầu tư, chưa tạo thuận lợi trong đầu tư kinh doanh khiến nhà đầu tư không chủ động được phương án thu hồi vốn. Chẳng hạn đường hầm Đèo Cả (nối Khánh Hòa với Phú Yên) xây dựng mới, phương tiện vẫn có lựa chọn đường cũ để đi lại nhưng chỉ được thu theo khung giá cố định.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đường cao tốc và BOT trên quốc lộ hiện hữu có sự khác nhau về bản chất. Cao tốc hay hầm Đèo Cả là những công trình mới song hành với quốc lộ. Việc này cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ cho mức giá đường cao tốc và công trình hầm.

Trạm thu phí hầm đường bộ đèo Cả Ảnh: Cao Trang

"Cao tốc hay công trình hầm mà quản lý mức giá như hiện nay là không ổn vì những công trình này có suất đầu tư lớn và người tham gia giao thông có quyền lựa chọn" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ GTVT hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BGTVT để ban hành trong tháng 12, góp phần tháo gỡ khó khăn cho dự án hầm Đèo Cả.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương báo cáo Chính phủ, đề nghị sửa đổi Nghị định 149/2016/NĐ-CP theo hướng những dự án đường BOT làm mới, có đường song song thì người dân có sự lựa chọn, sẽ không quy định trần mức phí qua trạm mà để doanh nghiệp quyết định mức phí. Khi đó, giá vé hợp lý thì sẽ nhiều phương tiện lựa chọn.

Ấn định và cảm tính

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng cách tính vé tháng bằng 30 ngày, một quý bằng 70% của 90 ngày là chưa phù hợp. Bởi có ý kiến cho rằng chỉ khi nào đi hơn 30 ngày mới mua vé tháng, lúc đó phải mua cho 40 hay 45 ngày thay vì 30 ngày.

"Từ trước đến nay, chúng ta quy định theo hướng ấn định và cảm tính. Phải thay đổi cách tiếp cận theo hướng thị trường, phải đánh giá, thống kê đưa ra con số thuyết phục" - ông Đông nói và đề nghị sửa đổi Nghị định 149 để đường cao tốc được đối xử là đường thương mại với việc không quy định giá trần, cũng như có nhiều cơ chế giá khác nhau để người sử dụng có thể dùng đường khác để đi. Hiện quy định áp dụng mức giá vé chung cho quốc lộ và cao tốc là bất hợp lý.

"Đường cao tốc cần cơ chế được tự xác định giá, không nên thu theo quốc lộ. Vì thu phí quốc lộ là theo vé lượt nên không thể áp dụng cho cao tốc. Cao tốc cần có hệ thống thu phí riêng vì an toàn, thuận lợi, lưu thông nhanh hơn thì phải trả phí cao hơn" - Thứ trưởng Đông bày tỏ.

Tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội ở kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết ngay từ năm 2017, Bộ GTVT đã nhận thức được nội dung này và chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT trên cơ sở ban hành khung mức phí dịch vụ phù hợp với tính chất đặc thù của công trình hầm. Bộ GTVT cũng đang khẩn trương phối hợp nhà đầu tư xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền và cùng các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng xem xét, tháo gỡ khó khăn cho dự án, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và quy định tại hợp đồng BOT.

Cần cơ chế đặc thù về giá

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá quy định thu phí cào bằng đối với tất cả công trình đường bộ là bất hợp lý. Công trình hầm đường bộ có chi phí đầu tư thường lớn hơn công trình bình thường do phải thi công ở địa chất phức tạp, chi phí quản lý vận hành cũng phức tạp hơn. Do vậy, cần có cơ chế đặc thù về giá đối với loại công trình này. Để tính toán mức phí tối đa hợp lý cho công trình hầm cần căn cứ vào chi phí đầu tư, thời gian thu hồi vốn và các chi phí khác cho công trình.

Theo Văn Duẩn
https://nld.com.vn/thoi-su/bo-tran-muc-phi-qua-tram-bot-xay-moi-20181201213729146.htm