Phương án thiết kế cầu vượt thung lũng dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Trong bối cảnh hiện nay, không có phương án nào tối ưu hơn việc đẩy mạnh xã hội hóa để triển khai xây dựng các công trình đường cao tốc theo hình thức PPP. Với một khối lượng công việc rất lớn, khoảng 3.800km cho khoảng thời gian chưa đầy 10 năm, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước phải có “cơ chế liên thông” từ T.Ư đến địa phương, từ địa phương đến doanh nghiệp và từ doanh nghiệp đến người dân thì mục tiêu 5.000km vào năm 2030 mới có thể hoàn thành.
Cần gác lại các bất cập tồn đọng hiện nay về chính sách, tín dụng,… để hướng tới mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường cao tốc huyết mạch của đất nước.
Phương án thiết kế hầm núi Thần
Khơi thông rào cản “quy định”
Tại cuộc họp Chính phủ về đường cao tốc gần nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cao vai trò của địa phương, nêu cao trách nhiệm và sự chủ động của tỉnh khi nêu quan điểm dứt khoát: “Dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án”. Cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ trở nên hiệu quả, các cơ chế cần điều chỉnh để thông thoáng hơn.
Đơn cử, một số dự án đã được giao cho địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi (PreFS), thậm chí đã được phê duyệt chủ trương đầu tư đang bị chậm bởi những quy định của luật. Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối Lạng Sơn với Cao Bằng, dự án Tân Phú - Bảo Lộc nối Đồng Nai với Lâm Đồng, mặc dù hai địa phương là Cao Bằng và Lâm Đồng đã rất quyết tâm, quyết liệt, sẵn sàng đầu tư vốn để sớm xây dựng tuyến đường nhưng vẫn bị kẹt lại bởi những quy định.
Hiện nay, theo Điều 6 Luật PPP, các dự án đường cao tốc thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Thủ tướng Chính phủ phải thành lập hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định báo cáo PreFS và báo cáo khả thi (FS). Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định hai bước, một là để Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, hai là tiếp tục thẩm định để địa phương phê duyệt FS.
Thực tế, các bước thẩm định FS như vậy sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính, kéo dài. Tại Hội nghị về các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư phát triển đường cao tốc theo hình thức PPP được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức mới đây để lắng nghe các ý kiến thẳng thắn của các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, trong đó có ý kiến của các nhà đầu tư về thẩm quyền phê duyệt, thẩm định đối với các dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi luật PPP có hiệu lực, hoặc các dự án đã được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định bước chủ trương đầu tư trình Thủ tướng phê duyệt hiện nay ở bước phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi thì nên xem xét giao cho cơ quan có thẩm quyền là địa phương chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định và phê duyệt.
Luật PPP quy định, điều kiện dự án PPP nhà đầu tư đề xuất phải “Không trùng với dự án PPP đang được cơ quan có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đã chấp thuận nhà đầu tư khác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”.
Các nhà đầu tư cho rằng, các dự án cao tốc hiện nay, Bộ GTVT đều đã có nghiên cứu sơ bộ, quá trình nghiên cứu sẽ đánh giá các hình thức để lựa chọn hình thức đầu tư tối ưu. Nhiều dự án đã nghiên cứu nhưng chưa được duyệt do chưa có vốn nên chưa xác định được hình thức đầu tư công hay PPP.
Khi nhà đầu tư đề xuất, sẽ vướng phải quy định không rõ ràng nêu trên. Cơ chế này hoàn toàn có thể cởi mở hơn, cho phép các nhà đầu tư đề xuất những dự án như vậy, sẽ tạo chủ động và có thể lựa chọn được những phương án đầu tư phù hợp hơn, kinh tế hơn.
Công trình hầm xuyên núi lấy hình tượng Thác Bản Giốc.
Thay đổi cơ cấu nguồn vốn
Thực tế, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016-2020 có tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia hơn 50%, thời gian hoàn vốn dưới 15 năm nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư.
Trong khi đó, các dự án cần triển khai trong thời gian tới đều là các dự án khó với suất đầu tư lớn hơn, thời gian hoàn vốn kéo dài hơn 20 năm, nhưng với quyết tâm đổi mới tiến đến tự chủ ngân sách và giải quyết khát vọng nhiều đời của người dân thì quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương rất cao.
Với dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tỉnh ủy Cao Bằng đã thành lập Ban Chỉ đạo dự án để toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, các chuyên gia, nhà đầu tư am hiểu, tâm huyết cũng đã được mời tham gia hiến kế giải bài toán khó - đường cao tốc lên Cao Bằng.
Ban đầu, với tổng mức đầu tư lên tới 47 nghìn tỷ đồng, con số quá lớn đó đã được hóa giải bằng công nghệ hầm xuyên núi, cầu vượt thung lũng, qua đó giảm được chiều dài tuyến 19km và đặc biệt giảm tổng mức đầu tư tối ưu xuống còn 23 nghìn tỷ đồng.
Không dừng lại đó, dự án tiếp tục được phân kỳ đầu tư để tổng mức đầu tư còn 13.700 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư đã được tiết giảm 2 lần, nhưng dự án vẫn còn gặp khó khi doanh thu và lưu lượng khá thấp ở tuyến này, tỷ lệ bị giới hạn 50 % vốn ngân sách Nhà nước tham gia vào dự án theo luật PPP sẽ khập khiễng với khả năng thực thi dự án.
Mô hình thiết kế cầu lớn vượt sông.
Ngày 28-5, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cùng Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn tổ chức đi thực địa và Bộ trưởng đã yêu cầu tiếp tục nghiên cứu giảm tổng mức đầu tư, định hướng kết nối các khu vực cửa khẩu và tạo ra các điểm nhấn thông qua các công trình kiến trúc cảnh quan đặc thù văn hóa Cao Bằng như hầm xuyên núi thì lấy hình tượng thác Bản Giốc, cầu cạn vượt thung lũng cao hơn 100 m lấy biểu tượng cây đàn tính, nút giao lấy biểu tượng chiến thắng Đông Khê…
Theo cách nhìn của ông Lại Xuân Môn về đề xuất “ba chữ P” trong “PPP” của Tập đoàn Đèo Cả đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với bối cảnh hiện nay nhưng quan trọng vẫn là cách tổ chức thực hiện. Theo đó, P1 - Vốn NSNN: Thể hiện sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo địa phương khi bỏ vốn ngân sách địa phương để GPMB và hỗ trợ một phần chi phí xây dựng (nếu có); ngân sách T.Ư tham gia hỗ trợ xây dựng công trình. P2 - Vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư: chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính, năng lực quản lý, điều hành để cùng địa phương tổ chức thực hiện. P3 - Vốn huy động khác: xác định phương án đầu tư, nhu cầu vốn và các tiềm năng, lợi thế của địa phương khi đầu tư cao tốc để kêu gọi các nhà đầu tư khác như bất động sản, đô thị công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics,… gắn trách nhiệm với địa phương cùng tham gia góp vốn làm công trình giao thông.