Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn:

Khẳng định "giá trị thực"

24/06/2020     137

(VLR) Tháng 5 vừa qua, tròn 3 năm Tập đoàn Đèo Cả nhận trách nhiệm giải cứu dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn khi đó đang lâm vào bế tắc. Dưới sự vào cuộc của Tập đoàn Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã đi vào vận hành từ đầu năm 2020, giảm tải hiệu quả cho tuyến Quốc lộ 1A (QL1) vốn đã quá tải.

Khẳng định "giá trị thực"

Câu chuyện 3 năm về trước, Chính phủ đã chọn nhà đầu tư theo phương thức tối ưu nhất, có năng lực nhất để triển khai tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn, phấn đấu đến năm 2019 - 2020 tuyến đường này sẽ được đưa vào phục vụ nhân dân.

Và, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả được giao trách nhiệm “giải cứu” Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Sau khi Tập đoàn Đèo Cả bắt tay vào thực hiện dự án, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, dự án đã lấy lại tiến độ và uy tín. Đầu năm 2020, gần 64km dự án nói trên đã hòa vào huyết

mạch giao thông Bắc - Nam trong sự ngạc nhiên, thán phục không chỉ người dân mà còn nhiều cơ quan ban ngành, Nhà nước.

Bắt đầu từ 00 giờ ngày 15/01/2020, Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (Tập đoàn Đèo Cả) đã chính thức đưa vào vận hành, khai thác tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Trong một tháng dịp Tết Nguyên đán, các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này hoàn toàn được miễn phí. Việc đưa tuyến đường cao tốc này vào vận hành trong kỳ nghỉ Tết đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, việc khai thác miễn phí đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trong dịp Tết Nguyên đán sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu, ước tính khoảng 45 tỷ đồng, trong khi dự án đang bị âm dòng tiền ở thời gian đầu khai thác.

Nhà đầu tư sẽ phải giải quyết bài toán khó của phương án tài chính do việc bỏ bớt một trạm thu phí, miễn giảm phí cho gần 5.000 phương tiện giao thông mà trước đây chưa lường hết được.

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG VỠ NẮP RÃNH THOÁT NƯỚC

Dọc QL1 thuộc địa phận huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) nhiều đoạn rãnh thoát nước bị vỡ tấm đan, nắp đậy. Nguyên nhân là do tại các đoạn này có nhiều xe tải trọng lớn, không loại trừ có xe quá tải thường xuyên di chuyển qua lại, ra vào các cụm công nghiệp, doanh nghiệp vận chuyển, trung chuyển hàng hóa, cung cấp vật liệu xây dựng...

Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã chỉ đạo đơn vị quản lý, vận hành thực hiện các biện pháp duy tu, bảo trì và sửa chữa những vị trí hư hỏng từ tháng 3/2020. Hiện nay, một số điểm đã thi công xong, khắc phục tình trạng tấm đan, nắp đậy bị vỡ. Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh trên tuyến QL1 được giao quản lý, bổ sung các đoạn rãnh thoát nước tại một số điểm thường xuyên đọng nước; bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng hạn chế xe quá tải hoạt động trên tuyến đường.

Bên cạnh đó, do chưa hoàn thành tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị nên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn còn cách TP. Lạng Sơn 30km và cách cửa khẩu Hữu Nghị 43km.

Trước đó, vào ngày 10/01/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức đánh giá tổng thể công tác chuẩn bị và chấp thuận đưa dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào khai thác như đề xuất của nhà đầu tư.

Thông qua thời gian vận hành miễn phí, nhà đầu tư đã có khoảng thời gian đủ để đánh giá toàn bộ hệ thống thu phí, hệ thống bảo đảm an toàn giao thông, rà soát, đối chiếu số liệu và đánh giá lưu lượng, các ảnh hưởng khác nhằm thống nhất với tỉnh Lạng Sơn các giải pháp khắc phục hạn chế của phương án tài chính, bao gồm cả việc bị ảnh hưởng doanh thu.

Nhiều khó khăn phía trước

Hành trình xây dựng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vốn đã gặp nhiều trắc trở, đi vào khai thác lại đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành, nhưng cả hệ thống ấy vẫn vận hành đảm bảo cho những chuyến xe qua. Tuy nhiên, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong quá trình vận hành Dự án thành phần 1, đã phát sinh biến động rất lớn về doanh thu và lưu lượng phương tiện so với dự báo ban đầu. Lưu lượng phương tiện thực tế trên cả hai tuyến đường trong giai đoạn qua chỉ đạt khoảng 11.779 xe/ngày đêm (giảm khoảng 10.811 xe/ngày đêm, tương ứng giảm 48% cho cả 2 tuyến QL1 và tuyến cao tốc so với dự báo ban đầu tại phương án tài chính được duyệt).

Bên cạnh đó, việc bỏ 1 trạm thu phí (Km24+800) trên QL1 để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân và điều kiện thực tế của địa phương đã dẫn đến giảm nguồn thu trong suốt thời gian thu phí, ảnh hưởng đến tỷ lệ phân lưu giữa tuyến QL1 và tuyến cao tốc, làm giảm lưu lượng trên tuyến cao tốc.

Phương án tài chính Dự án thành phần 1 đã bị phá vỡ rất sâu so với cam kết ban đầu, do sự thay đổi khách quan từ cơ chế chính sách. Để giảm áp lực dòng tiền cho các bên, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Dự án thành phần 1, với số tiền là 2.056 tỷ đồng, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để tham gia dự án, chi trả cho các hạng mục công việc như giải phóng mặt bằng các công trình đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt trực thông...

Khoản hỗ trợ này, theo UBND tỉnh Lạng Sơn, tương tự chính sách mà Chính phủ đã và đang áp dụng tại một số dự án triển khai đầu tư theo hình thức PPP có vốn ngân sách Nhà nước tham gia hỗ trợ như các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn tuyến trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái...

Nguyễn Quang Thành

Nguồn: http://vlr.vn/giao-thong/cao-toc-bac-giang-lang-son-khang-dinh-34gia-tri-thuc34-6286.vlr