"Tư lệnh" của Đèo Cả, doanh nhân Hồ Minh Hoàng nói về những thành công của tập đoàn một cách đơn giản: "Những việc dễ thì người khác đã làm hết rồi, chỉ có việc khó hay rất khó mới đến tay chúng tôi".
Ông bảo, việc Đèo Cả "giải cứu" thành công các dự án khó, vướng hồ sơ pháp lý như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận... là nhờ một tinh thần xuyên suốt: "Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt".
Không đao to búa lớn nhưng Chủ tịch Đèo Cả Hồ Minh Hoàng vẫn cho người đối diện cảm nhận rất rõ về "chất thép" của người đứng đầu tập đoàn hàng đầu VN về hạ tầng giao thông. Chất thép ấy dẫn dắt Đèo Cả "dám đi trên sỏi đá khô cằn để thức tỉnh tiềm năng của các vùng đất mới", như nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng từng ví von.
Chủ tịch Đèo Cả Hồ Minh Hoàng
*Cuối năm 2022, Đèo Cả được giao nhiệm vụ "giải cứu" phần công việc của nhà thầu khác tại gói thầu 12-XL thuộc tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 nhưng tập đoàn thậm chí đã cam kết đưa toàn dự án về đích vượt kế hoạch. Nhận nhiệm vụ khó gấp đôi, ở một thời điểm cực khó khăn với ngành xây dựng, tại một dự án trọng điểm được cả hệ thống chính trị và người dân trông đợi, là liều lĩnh hay tự tin vào khả năng của mình?
-Thú thật, trong giai đoạn bình thường, nếu được giao lại phần việc của nhà thầu khác thì doanh nghiệp (DN) rất vui vì có dự án là anh em có việc làm, công ty có lợi nhuận. Thế nhưng, đối với gói thầu 12-XL thuộc tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45, không thể phủ nhận chúng tôi cũng có chút e ngại, bởi thời điểm đó các nhà thầu càng làm càng lỗ. DN làm dự án lợi nhuận không cao nên phải dựa vào sản lượng, khấu hao thiết bị, lấy công làm lời.
Ví dụ như ở đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, để đạt kết quả vượt tiến độ, chúng tôi cũng phải nghiên cứu thêm rất nhiều biện pháp để giải bài toán khan hiếm vật liệu xây dựng. Một số loại vật liệu khác cũng có những đơn vị đồng hành cam kết bình ổn nhưng chủ đầu tư phải ứng tiền trước để cam kết, chi phí thi công đội lên tới 30 - 40%. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc đảm đương, làm bù hết khối lượng chưa làm của nhà thầu cũ không phải chuyện dễ. Song, với tư cách đứng đầu liên danh nhà thầu, trên tinh thần chia sẻ vì mục tiêu chung của Chính phủ, khó cũng phải chạy!
Một dự án do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện
*Đây không phải lần đầu tiên Đèo Cả nhận vai trò "người giải cứu" những dự án giao thông bị "đứt gánh" giữa đường như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận gặp khó, Đèo Cả cũng có mặt. Hay thay vì hướng đến các dự án tiềm năng, có khả năng thu hồi vốn sớm thì công ty lại miệt mài "dò đá tìm đường" thực hiện các công trình khó như Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc… Vì sao vậy?
-Trước hết phải khẳng định, chúng tôi là DN, mục tiêu cốt lõi là tạo ra giá trị lợi nhuận, đảm bảo hiệu quả đầu tư để phục vụ các lợi ích. Trong đó, chúng tôi đặt lợi ích của đất nước, của người dân là tối thượng, nhưng cũng cần hài hòa lợi ích của DN, cổ đông đồng hành và người lao động. Khi làm bất cứ dự án nào, chúng tôi cũng phải đặt yếu tố hiệu quả lên đầu. Riêng với dự án hợp tác công - tư (PPP), tập đoàn xác định rất rõ "rót vốn" vào các công trình này là đầu tư cho tương lai dài hạn, không thể thu về lợi nhuận trong ngắn hạn. Chúng tôi luôn tin rằng những nơi khó khăn chính là những nơi có tiềm năng. Chỉ cần có hạ tầng kết nối hiện đại, tiềm năng sẽ được khai phá. Con đường vàng sẽ tạo ra giá trị vàng.
Dự án càng khó, người Đèo Cả lại càng có động lực càng phải nỗ lực minh chứng cho các chủ thể thấy được chúng tôi đã nói là làm, không phải nói để "làm màu". Ông Hồ Minh Hoàng Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả |
Như tại Phú Yên, sau khi chúng tôi đầu tư hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, các nhà đầu tư đã tìm đến địa phương, kinh tế được thúc đẩy, nhu cầu lưu thông tăng quay trở lại phục vụ chính dự án, đảm bảo phương án tài chính, phục vụ lợi ích của DN. Hay với dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, khi tuyến cao tốc chưa hình thành, tiềm năng của các địa phương dọc tuyến gần như "ngủ quên", nhưng khi con đường hoàn thành, ngày thông xe được kết hợp luôn với chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh, rất nhiều DN đã tới nghiên cứu đầu tư.
Hơn nữa, chúng tôi nghiên cứu các dự án theo hình thức PPP, nghĩa là có sự kết hợp của cả vốn ngân sách. Ở những dự án đang triển khai, Đèo Cả đề xuất phương án tài chính với sự tham gia của vốn nhà nước ở mức hợp lý nhất, đảm bảo khả năng thu hồi vốn, hiệu quả đầu tư. Cũng phải thừa nhận, các dự án này đang rất khó khăn về cả tài chính, kỹ thuật, pháp lý trong bối cảnh có sự chuyển tiếp các quy định pháp luật. Thế nhưng, dự án càng khó, người Đèo Cả lại càng có động lực, càng phải nỗ lực minh chứng cho các chủ thể thấy được chúng tôi đã nói là làm, không phải nói để "làm màu".
Thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện
*Chậm tiến độ là căn bệnh kinh niên của các dự án hạ tầng giao thông. Nhưng Đèo Cả thì ngược lại, đã nhận nhiệm vụ khó, còn luôn đưa các dự án bứt tốc về đích vượt tiến độ, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. "Bí kíp" nào giúp Đèo Cả có thể giữ vững phong độ và thành tích như vậy?
-Nói là "bí kíp" hay giải pháp gì quá đặc biệt thì không hẳn, nhưng khi tiếp cận các dự án đầy thách thức, quan điểm xuyên suốt của Đèo Cả là xác lập rõ trách nhiệm của các bên. Chỉ khi làm được điều đó, dự án PPP mới đạt được hiệu quả mong muốn. Hợp tác công - tư nghĩa là phía công cùng làm với phía tư. Những gì thuộc trách nhiệm của phía công, phía công phải tường minh, giải quyết và ngược lại. Trên cơ sở đó, đặt chân đến các dự án, chúng tôi đã mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán vào rà soát, làm rõ tất cả vướng mắc, phân rõ thẩm quyền giải quyết, đâu là trách nhiệm của chủ đầu tư, nút thắt nào cần cơ quan có thẩm quyền vào cuộc.
Khi trách nhiệm được làm rõ, các bên vận hành theo đúng kế hoạch, nút thắt được gỡ dần. Kết quả tất cả đều thấy rõ, chúng tôi không khẳng định cách làm của mình là xuất sắc nhất nhưng với cách làm ấy, các dự án đã cán đích một cách thuận lợi nhất, nhanh chóng phát huy hiệu quả đầu tư.
Thi công hầm trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện
Có thể nói 2023 là "năm của cao tốc" khi lần đầu tiên VN chứng kiến sự kiện khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc trọng điểm quốc gia. Trên khắp cả nước, từ trung ương đến địa phương đều quyết liệt triển khai thực hiện các dự án hạ tầng, đảm bảo kết nối thuận lợi cho mạng lưới cao tốc. Ông đánh giá "nhiệt độ" thị trường xây dựng hạ tầng của VN hiện nay thế nào? Điều này mở ra những cơ hội gì cho ngành xây dựng nói chung cũng như Đèo Cả nói riêng?
Định hướng phát triển hạ tầng nói chung của Đảng, Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, là cơ hội rất lớn cho các DN VN tiếp đà phát triển. Một quyết tâm mới từ Chính phủ cùng một không khí lao động khẩn trương mới trên công trường đang được Bộ GTVT thúc giục đã tạo ra xu thế mới cho việc quản lý hợp đồng với các nhà thầu thi công. Gạt qua những thách thức, khó khăn, những nhà thầu đã cam kết đảm nhận thì phải có trách nhiệm với phạm vi công việc của mình, không phải vì các yếu tố khách quan làm cho trì trệ, vô hình trung kéo giảm tiến độ dự án.
Đặc biệt, một trong những cơ hội lớn nhất mà nhà thầu VN có được trong thời gian qua chính từ sự chỉ đạo quyết liệt không chia nhỏ gói thầu của Chính phủ. Đây là chỉ đạo hết sức đúng đắn vì DN giao thông VN chỉ lớn khi sân chơi đủ lớn. Nếu cứ làm manh mún, nhỏ lẻ, DN sẽ không có cơ hội lớn mạnh. Chúng tôi cũng mong rằng, cùng với tinh thần quyết liệt của Chính phủ, việc xây dựng quy định pháp luật, cơ chế tháo gỡ khó khăn của các cấp có thẩm quyền tới đây cũng tiếp tục có sự đánh giá đúng mực, có sự điều chỉnh phù hợp để nhà thầu giao thông tiếp tục duy trì nguồn lực ổn định đồng hành cùng quá trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông đất nước.
Hoàng An