Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả:

Lý tưởng nhân văn, sức sống khác biệt

01/01/2020     526

- Cách đây khoảng hai năm, trong một tiệc cà phê sáng Chủ nhật, trên bán đảo Linh Đàm, Hà Nội, lần đầu tôi biết Đèo Cả không chỉ là một địa danh nổi tiếng nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà mà còn là tên của một thương hiệu lớn: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.

Ông bạn tôi, một nhà thầu, chuyên xây dựng các công trình giao thông đường bộ cho biết: Nhờ có Đèo Cả ra tay cứu dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nhiều nhà thầu tại dự án này mới thoát khỏi nghịch cảnh sống dở, chết dở. Thậm chí có những doanh nghiệp đã tính đến chuyện phá sản vì chủ đầu tư tại đây là “trùm” đánh bạc Nguyễn Văn Dương bị vướng vào vòng lao lý.

Câu chuyện một doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực, năng lực, kinh nghiệm thực hiện giải cứu một dự án giao thông trọng điểm quốc gia, làm cho dự án hồi sinh trở lại, đây cũng là một dấu ấn, một kỳ tích mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ bản lĩnh để vào cuộc. Tuy nhiên, đây cũng là câu chuyện bình thường trong hoạt động của doanh nghiệp, nhất là những “ông lớn” khi gặp phải dự án “trọng bệnh”.

Chợt nghĩ thế, nhưng hai chữ Đèo Cả, ngay lần đầu tôi biết đó là còn là một thương hiệu mạnh thì nguồn cảm hứng về doanh nghiệp, doanh nhân lại khơi dậy trong tôi. Từ đó tôi đã chú ý tiếp cận nhiều bài viết về tập đoàn kinh tế này. Điều mà gây cho tôi bất ngờ, chính là thông tin trên internet. Một doanh nghiệp mới có quá trình phát triển chưa đến một một thập kỷ, mà đã có một khối lượng thông tin “khủng” trên không gian mạng nói về nó và chủ nhân của nó.

Đọc nhiều các bài báo nói về mọi hoạt động của Đèo Cả, tôi mới vỡ lẽ và điều bất ngờ của tôi nói trên đã được giải đáp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm công trình hầm Đèo Cả chiều 18/1/2018. Ảnh:Logistic

Rõ ràng, Công ty Cổ phần tập đoàn Đèo Cả hiện nay là một thương hiệu lớn, thương hiệu quốc gia, một nhà đầu tư hàng đầu của cả nước về hạ tầng giao thông, là một tập thể xuất sắc, có tính thần yêu nước, lao động sáng tạo. Trong đó có đội ngũ cán bộ chủ chốt, kỷ sư chuyên ngành tâm huyết, đầy trách nhiệm và năng lực sáng tạo với nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt doanh nhân Hồ Minh Hoàng, là người đứng đầu có tư chất và năng lực vượt trội, xuất chúng. Nghị lực, trí tuệ, phong cách của ông đã hội tụ được nhiều chuyên gia đầu ngành, nhiều cán bộ, kỷ sư giỏi, đồng thời luôn đổi mới nâng cao năng lực quản trị, ông đã thường xuyên tạo thêm sức sống mới, năng lượng mới cho doanh nghiệp.

Chính vì có những con người với nghị lực phi thường và bản lĩnh vững vàng thì Đèo cả mới dám xông pha “trận mạc”, đương đầu trước những thử thách khó khăn, giải cứu và thực hiện thành công những dự án, công trình giao thông có tầm vóc lớn đã và đang viết nên những trang sử về những cung đường huyền thoại dọc đường thiên lý Bắc Nam.

Những nhiệm vụ, những công việc mà hơn 5000 lao động của Công ty Cổ phần tập đoàn Đèo Cả đã và đang thực hiện trên các vùng miền đất nước đều nằm trong các dự án trọng điểm quốc gia và đều gắn với danh hiệu “vua” đào hầm nước Việt.

Tính trọng điểm và sự nổi trội đó, cùng với các câu chuyện phi thường trên thực tế giải cứu các dự án, hoá giải những khó khăn, thử thách trong các tình huống, hoàn cảnh cụ thể, cũng như đối mặt với những vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách trong xây dựng hạ tầng giao thông đã làm cho thương hiệu Đèo Cả thường xuyên xuất hiện với tần suất cao trên báo chí, có khi những rào cản mà họ gặp phải lại được làm nóng lên trên công luận.

Chính sự cống hiến hết mình của tập đoàn kinh tế này cùng mối quan tâm của xã hội, mặc dù mới trưởng thành trong một thời gian ngắn nhưng Đèo Cả hôm nay có một “kho” tài nguyên thông tin “khủng” trên mạng internet là điều dễ hiểu.

“Nghĩ khác biệt tạo cách biệt”

Slogan: “Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt” của tập đoàn Đèo Cả tuy mới được quyết định lựa chọn hơn một năm nay, nhưng tư duy và hành động của tổ chức, đặc biệt là tư duy của ông chủ cao nhất ở đây đã là như thế từ khi doanh nghiệp dường như còn là “tay trắng”.

Có rất nhiều câu chuyện cụ thể nói lên phương châm, tư tưởng chỉ đạo trong nội hàm của Slogan “nghĩ khác biệt, tạo cách biết” đã biến thành hiện thực trong mọi mặt hoạt động của tập đoàn. Từ việc hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, xây dựng nội bộ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ nhân viên, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đến việc tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát... đều quán triệt tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt đó.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả thăm cán bộ, công nhân làm việc tại Hầm đường bộ Đèo Cả dịp Tết 2018

Có rất nhiều câu chuyện cụ thể nói lên phương châm, tư tưởng chỉ đạo trong nội hàm của Slogan “nghĩ khác biệt, tạo cách biết” đã biến thành hiện thực trong mọi mặt hoạt động của tập đoàn Đèo Cả

Những biểu hiện cụ thể về “Nghĩ Khác biệt, tạo cách biệt” ở tập đoàn này chưa được nói đến nhiều trên báo chí, tuy nhiên trong khuôn khổ của một bài viết chỉ xin chia sẽ đôi điều những góc nhìn khách quan về tập đoàn Đèo Cả trong sự vận động của nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Trên thực tế, sự vận hành của nền kinh tế thị trường ở nước ta còn những mặt chưa đúng với bản chất của nó. Các yếu tố chính trị, An ninh, văn hoá, xã hội đan xen làm hạn chế tính minh bạch của cơ chế kinh tế thị trường. Hiện thời muốn tạo ra được lợi nhuận cao, thường hành động của các chủ thể kinh tế phải “mua bán” quan hệ. Có nhiều doanh nghiệp bằng mọi cách để tạo được quan hệ “sân sau” hoặc thân hữu với quan chức có quyền lực. Vì thế mà ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn nhanh, hoặc “tay không bắt giặc” cũng nhờ vào “kinh doanh” quan hệ.

Trong hoàn cảnh đó, thường các doanh nghiệp phải tìm mọi cách tạo lập và cũng cố các “đường dây” “nhóm lợi ích” để phát triển và không thể để bị loại ra khỏi “sân chơi” của cơ chế xin cho, ra khỏi các “cuộc chơi” do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm “trọng tài”.

Trái lại, công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả có tư duy và cách làm riêng. Họ tham gia vào “sân chơi” và “cuộc chơi” không phải để “chung chi” với quan chức, mà họ tìm cách “chơi” để bảo đảm cơ sở pháp lý và tính minh bạch của cơ chế kinh tế thị trường trong sứ mệnh và nhiệm vụ của họ.

Chính vì thế mà hình ảnh Đèo Cả ngày càng sáng đẹp, có ảnh hưởng tốt trong dư luận xã hội, và cũng là địa chỉ của niềm tin, hy vọng của biết bao đồng bào, đồng chí. Cũng chính vì thế mà trong phận sự của mình, Đèo Cả luôn phải đối mặt với những cản trở của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả báo cáo với Bộ trưởng Bộ GTVT về quá trình xây dựng dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tháng 9/2019. Ảnh:KN

Rào cản, vướng mắc về pháp luật, về cơ chế chính sách mà họ phải khắc phục thì đã đành. Ở đây họ còn phải tìm cách để “lách qua” những nhiễu nhương của quan chức tham nhũng, “lợi ích nhóm”, kể cả những hoạt động không lành mạnh của giới truyền thông.

Tất cả các công trình trọng điểm quốc gia mà họ đã và đang tiến hành, dường như họ không phải “chạy” để có được những dự án, những gói thầu béo bở như nhiều doanh nghiệp khác. Thành công của họ ở dự án trước là tiền đề để được thực hiện dự án tiếp theo. Họ trở thành “vua” đào hầm xuyên núi chính nhờ họ đã làm được một công trình đường hầm giao thông hiện đại là hầm đường bộ Đèo Cả, mà trước đó chúng ta chỉ có trông cậy vào công nghệ và trình độ của nước ngoài.

Sau khi công trình đường bộ hầm Đèo Cả được đưa vào sử dụng, trở thành niềm tin và tự hào của người Việt Nam làm chủ công nghệ đào hầm tiên tiến nhất của thế giới thì Đèo Cả lại được nhận xây dựng các công trình mới: Hầm đường bộ Cù Mông, Hải Vân 2. Đồng thời họ được Chính phủ mời và được lựa chọn làm nhiệm vụ giải cứu các dự án đã bị “vở trận”, như dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận. Và giờ đây Đèo Cả đang được tỉnh Cao Bằng mời triển khai xây dựng dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn được Đèo Cả "giải cứu" mới được khánh thành trong năm 2019.Ảnh:Zing

Có thể nói tập đoàn Đèo Cả đang nắm giữ các dự án lớn với quy mô của từng dự án là hàng chục ngàn tỷ đồng, chiếm một tỷ lệ lớn trên lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của cả nước.

Những công trình trọng điểm quốc gia có giá trị lớn, tác động thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, Quốc phòng - An ninh và đối ngoại, làm thay đổi bộ mặt đất nước ... đang nằm trong tay xây dựng, quản lý, khai thác của tập đoàn Đèo Cả. Thế nhưng Đèo Cả không nằm sâu trong “ nhóm lợi ích” nào. Đây chính là sự khác biệt và cũng là một trong những giá trị cốt lõi mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ sức mạnh để tạo ra.

Chữ Tâm, chữ Đức của ông chủ tập đoàn Đèo Cả cùng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở đây, biểu hiện tập trung nhất là giá trị thanh quyết toán của các công trình sát với giá thị trường. Mỗi khi bắt đầu hình thành dự án, trước khi thẩm định, phê duyệt dự án và khi dự án đã hoàn thành một số các hạng mục, công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả đều tổ chức kiểm toán nội bộ và mời kiểm toán nhà nước xác định giá trị thực, mức đầu tư, giá trị khối lượng hoàn thành. Thậm chí có những dự án có cả cơ quan Thanh tra, điều tra vào cuộc để xác định lại mức đầu tư.

Có thể nói: Kiểm soát tổng mức đầu tư và tiết giảm tối đa chi phí xây dựng các trình công giao thông, mà chất lượng công trình vẫn bền chắc, đẹp, hiện đại là nét nổi bật về tinh thần yêu nước của tập đoàn Đèo Cả.

Công trình giao thông hầm đường bộ Đèo Cả, theo khảo sát, nghiên cứu của chuyên gia nước ngoài trước đây, dự toán tổng mức đầu tư trên 20 ngàn tỷ đồng, có tài liệu 23 ngàn tỷ. Nhưng khi công ty cổ phần tập đoàn Hải Thạch (tổ chức tiền thân của tập đoàn Đèo Cả ngày nay) xin được xây dựng và thực hiện dự án hầm đường bộ Đèo Cả, thì tổng mức đầu tư đề xuất và được phê duyệt gần 16 ngàn tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, chủ động tiếp tục rà soát tiết kiệm chi phí đầu tư, tổng mức đầu tư giảm xuống còn 11 ngàn 300 tỷ, tiết giảm được hơn 4000 tỷ đồng. Vì tiết giảm được hơn 4000 tỷ đồng, nên doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện đào hầm Cù Mông bằng nguồn kinh phí được tiết giảm nói trên.

Không chỉ tiết giảm khi thực hiện dự án Đèo Cả, mà tại dự án nâng cấp đường bộ đèo Hải Vân và đào hầm Hải Vân 2, theo số liệu từ công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả, tại dự án Hải Vân, doanh nghiệp này đã tiết giảm được hơn 800 tỷ đồng.

Trong khi đó, do cơ quan chức năng của nhà nước quản lý chuyên ngành tham mưu thiếu chuẩn xác nên công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả bị Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội Quyết định thu oan 1180 tỷ đồng nguồn trái phiếu chính phủ hỗ trợ, đến nay vẫn chưa tháo gở được.

Mới đây tập đoàn Đèo Cả được lãnh đạo tỉnh Cao Bằng mời nghiên cứu xây dựng dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Được biết dự án này trước đây, theo số liệu lưu trử tại Bộ GTVT có dự toán tổng mức đầu tư lên tới 47 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tập đoàn Đèo Cả vào cuộc lập dự án nghiên cứu tiền khả thi, sau nhiều lần thẩm định, tập đoàn này đưa ra số liệu tổng mức đầu tư, tiết giảm được khoảng hơn 40% so với số liệu tại hồ sơ lưu trưởng tại Bộ GTVT.

Từ những dẫn chứng điển hình nói trên, có thể khẳng định Đèo Cả, nhà đầu tư lớn nhất hiện nay về hạ tầng giao thông ở nước ta có tư duy độc lập, khác biệt, có lối đi riêng. Sự lựa chọn về chiến lược phát triển, tư tưởng chỉ đạo và những cách làm đầy sáng tạo của họ đã tạo được những giá trị cốt lõi riêng, bền vững, trên nền tảng của đạo lý truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam.

Những ai là người yêu nước Việt Nam không thể không động lòng xót xa trước nghịch lý có nhiều dự án đội vốn với một số lượng rất lớn so với giá thị trường và giá phê duyệt ban đầu. Và cũng không thể không ngưỡng mộ đối với tập đoàn Đèo Cả đã thể hiện rõ tinh thần cống hiến với khát vọng vì một đất nước Việt Nam thịnh vượng.

Sự minh bạch trong các hoạt động, đặc biệt là câu chuyện liên quan đến quyền lực và tiền bạc ở tập đoàn Đèo Cả không chỉ tạo ra giá trị cốt lõi riêng của doanh nghiệp mà còn là hồi chuông cảnh báo, thức tỉnh các doanh nghiệp khác và cán bộ trong các cơ quan công quyền nằm trong các “nhóm lợi ích” liên quan đến các dự án đầu tư công, hợp tác công tư.

Đây cũng là câu chuyện điển hình trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần phải được nhân rộng.

Hầm Hải Vân 2 đang được thi công

Những cảm xúc thăng hoa

Đến với Đèo Cả, hiểu về Đèo Cả, nghĩ về sức sống khác biệt của Đèo Cả còn rất nhiều điều mà bài viết này chưa thể nói đến, hoặc chưa thể nói sâu. Trong đó có những nét đặc sắc về văn hoá doanh nghiệp; những dẫn dắt của thuyết Tam định: định tâm, định hướng, định lượng; những phép cộng trừ nhân chia; những nghĩa cử tri ân đầy tính nhân văn ở đây là nguồn cảm hứng sáng tác của những người cầm bút.

Có lẽ nguồn cảm hứng này bắt nguồn từ động cơ và tấm lòng của những doanh nhân chân chính. Khát vọng của họ không chỉ vì lợi nhuận, mà trong quá trình tìm cách để đạt được lợi nhuận, mục đích chính của họ là vì một sự nghiệp cao cả.

Ông Hồ Minh Hoàng cùng đoàn kiểm tra làm việc tại trụ T5, gói thầu số 6 do DCG thi công tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tháng 6/2019

Điểm xuất phát mà doanh nhân Hồ Minh Hoàng quyết tâm đào hầm Đèo Cả chính là hình ảnh những khăn tang trắng cả một vùng rừng núi khi hành khách qua đèo gặp tai nạn thảm khốc, tang thương.

Và rồi trong hành trình từ điểm xuất phát, “bước chân ra đi...bước lên non cao, định tậm, định hướng, chữ NHÂN làm chân lý”(*) Hồ Minh Hoàng đã xây dựng được những cung đường tư bi với những câu chuyện huyền thoại. Sự huyền thoại càng thăng thì sự từ bi càng rộng. Chính điều này đã tạo nhiều cảm xúc thăng hoa cho các chính khách, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ và rất nhiều thành phần xã hội khác khi biết, hiểu về tập đoàn Đèo Cả.

Nguyễn Hòa Văn

http://vnmedia.vn/kinh-te/202001/cong-ty-co-phan-tap-doan-deo-ca-ly-tuong-nhan-van-suc-song-khac-biet-e22761d/