Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận:

Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng, kết nối ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh

24/11/2020     112

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến thông tuyến cuối năm 2020 và năm 2021 hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tháo gỡ được những “điểm nghẽn” về hạ tầng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội như mong đợi của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Tiền Giang.

Đã hoàn thành gần 70% khối lượng

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km (TMĐT: 12.668 tỷ đồng), điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án được khởi công vào năm 2009, sau 10 năm thực hiện, Dự án chỉ mới thi công được 10% khối lượng. Từ tháng 3/2019, Tập đoàn Đèo Cả được các nhà đầu tư mời tham gia quản trị điều hành Dự án, tính đến hết tháng 10/2020, sau gần 2 năm thực hiện, tiến độ thực hiện đạt 68%, đảm bảo kế hoạch cuối năm 2020 thông tuyến.

Hiện nay trên toàn dự án đã triển khai thi công 31/36 gói thầu xây lắp, 5 gói thầu còn lại (chiếu sáng, trạm thu phí, ITS,..) sẽ triển khai theo tiến độ dự án. Khối lượng đã thực hiện chủ yếu gồm: Chuẩn bị mặt bằng công trường, thi công đường công vụ, cầu tạm, đào bóc hữu cơ, xử lý nền đất yếu, cống hộp, cống tròn, cọc khoan nhồi, đổ bê tông mố trụ cầu, đúc dầm, lao lắp dầm, thi công bản mặt cầu, bờ bo lan can,... Bên cạnh đó, một số phân đoạn nền đường đã hoàn thành công tác dỡ tải để triển khai thi công các hạng mục tiếp theo.

Không chỉ đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công các gói thầu của Dự án đã được doanh nghiệp dự án và các nhà thầu triển khai thi công đạt yêu cầu theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng vật liệu cung cấp cho Dự án, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã điều chỉnh quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn như kiểm soát vật liệu tại mỏ, nguồn gốc, chất lượng; kiểm soát vật liệu trước khi tập kết từ xà lan lên công trường; kiểm soát vật liệu trước khi đưa vào sử dụng và trong quá trình thi công. Ngoài ra, chủ đầu tư còn trang bị 50 camera giám sát trên toàn tuyến Dự án và bố trí tổ công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo hàng ngày bằng hình ảnh. Tới đây, tiếp tục lắp đặt camera tại các trạm trộn bê tông nhựa...

Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc đắp đập ngăn mặn đã gây khó khăn trong công tác vận chuyển vật liệu, cấu kiện đúc sẵn. Ngoài ra, nguồn cát, đá khan hiếm mùa hạn mặn cũng khiến việc thi công gặp nhiều trở ngại. Để đạt được kết quả trên, các bên có liên quan đã nỗ lực và quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ. Nhiều đơn vị thi công làm việc 3 ca, làm luôn cả ngày nghỉ, lễ.

Quyết không lỗi hẹn với người dân vùng ĐBSCL

Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến nằm trong quy hoạch đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tuyến đường này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng; góp phần tạo sức bật mới, tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông cho khu vực miền Tây Nam Bộ.

Có mặt xuyên suốt trên công trường, ông Nguyễn Tấn Đông cho biết: “Hiện trên công trường cao tốc có hơn 1.500 công nhân làm việc cùng nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ thi công. Đơn vị đã tổ chức thi công cả ca đêm để bù đắp những ngày mưa, và tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị để thi công đồng loạt. Từ lãnh đạo Công ty cho đến kỹ sư, công nhân đều quyết tâm nỗ lực vì mục tiêu thông tuyến vào cuối năm 2020”.

Nỗi ám ảnh ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang mỗi dịp Tết đến Xuân về sẽ được khắc phục, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận “chia lửa” với Quốc lộ 1 khi phục vụ xe dưới 16 chỗ, xe dưới 2,5 tấn lưu thông miễn phí. Đây là nhà đầu tư tự nguyện phục vụ, chia sẻ, để người dân vùng ĐBSCL đi về quê ăn tết và quay trở lại làm việc đỡ vất vả hơn.
“Hơn 12 năm là khoảng thời gian người dân ĐBSCL hy vọng, chờ đợi vào tuyến cao tốc này để không còn phải gặp cảnh kẹt xe, tắc đường trên tuyến Quốc lộ 1. Hơn bao giờ hết, niềm tin ấy phải được đáp lại bằng hành động và quyết tâm để đưa Dự án về đích đúng tiến độ”, ông Nguyễn Tấn Đông khẳng định.

Nguồn: Vietnam Business Forum