Nhờ có hầm Đèo Cả xóa tan nỗi lo tắc đường mùa thiên tai do sạt lở, hư hại đường đèo, TNGT… Ảnh Xuân Huy
Thống kê ảnh hưởng bão số 12 hoành hành khiến hạ tầng giao thông trên tuyến miền Trung thiết hại nghiêm trọng. Đặc biệt tại khu vực tâm bão đổ bộ Khánh Hòa, Phú Yên có hàng loạt vị trí đường đèo, đường sắt bị sạt lở. Nhiều tuyến hành trình đường sắt Bắc- Nam qua Phú Yên bị tê liệt. Giao thông trên đèo Cả bị ách tắc cục bộ.
Tuy nhiên, khác hẳn với cảnh ùn ứ phương tiện như những mùa thiên tai trước, việc lưu thông qua lại giữa Khánh Hòa- Phú Yên thuận lợi nhờ dự án hầm đường bộ Đèo Cả đang vận hành khai thác ổn định, hiệu quả.
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho hay: hầm vận hành hiện đại, giám sát chặt chẽ đảm bảo độ an toàn, ổn định trong khai thác.
Anh Nguyễn Văn Sắt (quê Đông Hà, Quảng Trị), quản lý xe khách giường nằm BKS 74B-0006 (tuyến Đông Hà- Sài Gòn) cho biết: ngay thời điểm cơn bão số 12 đổ bộ, sáng 4/11, xe khách chở gần 40 người lưu thông đến địa phận Phú Yên. Cứ tưởng hành trình sẽ bị gián đoạn nhưng việc lưu thông rất dễ dàng nhờ hạ tầng QL1 được nâng cấp, mở rộng, đặc biệt không còn “điểm nghẽn” đèo Cả.
“Nhớ trận mưa lớn cuối năm 2016 khiến tuyến đèo Cả bị sạt lở, ùn tắc giao thông vài ba tiếng đồng hồ. Hay mấy vụ TNGT đầu năm 2017 gây tắc đường kéo dài ở cả Phú Yên- Khánh Hòa làm cánh nhà xe chúng tôi ngán ngẩm. Nay có hầm đường bộ Đèo Cả, việc đi lại thoải mái, không lo trễ hẹn hành trình và mất ATGT”, anh Sắt nói.
Phương tiện lưu thông êm thuận, an toàn, đảm bảo lịch trình qua hầm đường bộ Đèo Cả. Ảnh Xuân Huy
Xóa bỏ cảnh cắt đường ùn tắc giao thông trên “điểm nghẽn” đường đèo, đặc biệt khi bão lũ, thiên tai. Ảnh NLD
Ghi nhận thời điểm bão lũ số 12 hoành hành những ngày qua, trên tuyến QL1 qua hai tỉnh Phú Yên- Khánh Hòa, đặc biệt khu vực Đèo Cả hoàn toàn không còn thảm cảnh tắc đường, ùn ứ do sự cố giao thông mùa mưa lũ. Số phương tiện chọn đi qua đường đèo giảm đáng kể.
Lãnh đạo Phòng CSGT (Công an tỉnh Phú Yên) cho biết: mùa mưa bão đơn vị tăng cường 1 lực lượng thường xuyên túc trực khu vực đèo Cả để đảm bảo giao thông, phân luồng khi gặp sự cố trên đèo. Tuy nhiên, hơn 2 tháng chính thức đưa công trình hầm đường bộ Đèo Cả vào vận hành đã xóa tan nỗi lo cắt đường, đảm bảo ATGT, hạn chế tối đa tình trạng TNGT đường đèo.
Cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) cao Xuân Giao cho biết: ứng phó bão số 12, các đoàn của cục trực tiếp kiểm tra, đánh giá hư hại do ảnh hưởng bão lũ trên tuyến. Riêng tuyến đèo Cả, thiệt hại và ùn tắc giảm tối đa nhờ vận hành của hầm đường bộ. Qua đó, giúp các phương tiện lưu thông thông thoáng, giảm thiệt hại về phương tiện, lịch trình, đảm bảo ATGT.
Hơn 2 tháng đưa vào khai thác, hầm đường bộ Đèo Cả chứng minh hiệu quả dự án về ATGT, rút ngắn thời gian, đảm bảo an toàn phương tiện, phát triển kinh tế- xã hội địa phương… Ảnh Xuân Huy
Đến ngày 13/11, đường sắt Phú Yên- Khánh Hòa vẫn bị chia cắt. Nếu không tổ chức giao thông đường bộ, và hầm Đèo Cả dễ dẫn đến vỡ trận tổ chức giao thông. Ảnh Quốc Nhựt
Thống kê Tổng công ty đường sắt Việt Nam, chỉ tính riêng các khu vực từ Bình Định- Khánh Hòa có hàng chục khu gian bị đổ cột điện, ngập nước, đường sắt bị tê liệt ở nhiều thời điểm. Đặc biệt, khu gian Hảo Sơn – Đại Lãnh (Khánh Hòa) bị gián đoạn nhiều ngày do sụt trượt đất trên đèo Cả xuống Km 1226+780 – Km 1226+825…
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang (Khánh Hòa), tính đến sáng 13/11, có hơn 90 đoàn tàu với hơn 21.000 hành khách bị gián đoạn hành trình do đường sắt bị cắt đường. Các đơn vị huy động gần 520 lượt xe khách để tổ chức chuyển tải hành khách bằng đường bộ qua các khu gian bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho hay: nhờ có công trình hầm Đèo Cả đưa vào vận hành nên lưu thông đường bộ thông suốt. Nếu không khu vực đường bộ đèo Cả dễ cắt đường mùa mưa lũ như những năm trước sẽ kéo theo nhiều hệ lụy “vỡ trận” giao thông, không thể tổ chức trung chuyển, gây cắt đường cho hàng loạt phương tiện cả đường sắt và đường bộ.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho hay: lượng phương tiện những ngày mưa lũ qua hầm đạt 5.000- 5.100 lượt xe, tăng hơn ngày thường 300-400 lượt xe, và chiếm khoảng 93-95% tổng lưu lượng xe qua khu vực đèo Cả.
Theo ông Mai, với phương án đặt trạm thu phí của hầm đường bộ Đèo Cả, chủ phương tiện hoàn toàn có thể lựa chọn đi đường đèo hoặc qua hầm và chỉ mất phí khi qua hầm. Tuy nhiên, ngay từ khi vận hành chính thức hầm Đèo Cả (tháng 9/2017), tỷ lệ phương tiện qua hầm đạt trên 90%. Số còn lại các xe bị cấm, hạn chế qua hầm theo quy định. Khẳng định hiệu quả dự án đối với vấn đề đảm bảo ATGT, rút ngắn hành trình, an toàn phương tiện, đặc biệt xóa bỏ nỗi lo chia cắt đường mùa mưa bão.
Theo Xuân Huy- Quốc Nhựt
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/ham-deo-ca-xoa-noi-lo-cat-duong-mua-bao-lu-d232796.html