Thủ tướng gợi ý tầm nhìn phát triển cho Lạng Sơn

24/09/2018     184

Thủ tướng gợi ý tầm nhìn phát triển cho Lạng Sơn là phải gắn với phát triển thương mại, du lịch và phát triển nông, lâm nghiệp của miền núi, vùng cao, vùng nông thôn.

Sáng 24/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội.

Thủ tướng tại buổi làm việc

Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn tại buổi làm việc, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Với thế mạnh của mình, tỉnh đẩy mạnh kinh tế cửa khẩu với 2.700 doanh nghiệp cả nước thường xuyên xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Năm 2017, thu ngân sách tỉnh đạt trên 7.200 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên 35 triệu đồng/năm, trong đó kinh tế cửa khẩu có đóng góp quan trọng. Tỉnh đang đẩy nhanh thi công tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hiện Lạng Sơn đang có trên 2.800 doanh nghiệp.

Góp ý với Lạng Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm về buôn lậu và gian lận thương mại nên cần đẩy mạnh ngăn chặn tình trạng này. Tỉnh cũng cần phát triển mạnh nông nghiệp các lợi thế như na, quýt, hồng, để trở thành các vùng chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao.

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Lạng Sơn có vị trí quan trọng cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là với vùng Đông Bắc Tổ quốc. Tỉnh có 230km đường biên giới với Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu, chợ biên giới, là điểm đầu của Việt Nam trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng và Lạng Sơn-Hà Nội-TPHCM-Mộc Bài, là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc với ASEAN, rất thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới và các dịch vụ phát triển.

Phân tích lợi thế về địa kinh tế thuận lợi của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc phân tích địa kinh tế thuận lợi của Lạng Sơn là gì là câu hỏi lớn cần suy nghĩ liên tục với nhiều giải pháp tổng hợp. Có một địa kinh tế tốt như vậy nhưng vì sao Lạng Sơn chưa phát triển mạnh mẽ, xứng tầm trong thời kỳ mới như thời gian qua, để khắc phục vấn đề đặt ra, do khách quan, chủ quan là gì? Hạ tầng thế nào?

Đánh giá về kinh tế- xã hội của tỉnh thời gian qua, Thủ tướng cho rằng, kinh tế - xã hội của Lạng Sơn phát triển ổn định, nhiều mặt tiến bộ. Tuy vậy, Lạng Sơn vẫn là tỉnh nghèo, quy mô kinh tế thuộc nhóm cuối của vùng. Hạ tầng giao thông thiếu và yếu, kể cả các trục giao thông chính. Tỉnh chưa tự cân đối thu-chi và phải nhận trợ cấp từ Trung ương. Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá nhưng thiếu ổn định; còn điểm nóng về buôn lậu gian lận thương mại.

Thủ tướng cũng cho rằng, kinh tế tư nhân phát triển chậm, chủ yếu là thương mại còn trong khi sản xuất hạn chế. Tỉnh chưa khai thác tốt tiềm năng để phát triển du lịch. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo rất cao, trên 19%...

Chỉ ra những tồn tại đó, Thủ tướng gợi ý tầm nhìn phát triển cho Lạng Sơn phải gắn với phát triển thương mại, du lịch và phát triển nông, lâm nghiệp của miền núi, vùng cao, vùng nông thôn. Tất cả điều này đều gắn với việc phát triển rừng và bảo vệ rừng. Trong đó phải đặc biệt chú trọng dịch vụ thương mại biên giới, dịch vụ logistic. Phát huy lợi thế sẵn có từ các di tích lịch sử văn hóa tâm linh, những đặc sản riêng có, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Chú trọng hơn nữa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm nông sản gồm cả cây công nghiệp, dược liệu, rau quả, phục vụ nhu cầu và đặc biệt là xuất khẩu biên giới rất thuận lợi.

Cùng với phát triển kinh tế, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần giữ gìn văn hóa xứ Lạng. Đảm bảo kinh tế và quốc phòng an ninh vững mạnh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu theo hướng chính ngạch, hướng ra thị trường Trung Quốc rộng lớn.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nghiên cứu tổ chức hội chợ quốc tế để thu hút doanh nghiệp. Tái cơ cấu và quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao; bảo vệ và phát triển triển rừng; chú trọng xây dựng nông thôn mới và quan tâm đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thành chuỗi liên kết du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch với nét riêng để tạo thế cạnh tranh khác biệt.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp cho ý kiến giải quyết một số kiến nghị của Lạng Sơn./.

Theo Vũ Dũng
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-goi-y-tam-nhin-phat-trien-cho-lang-son-817805.vov