Để “đón đầu” cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

19/11/2024     2122

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang đến cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về công nghệ và kỹ thuật. Tập đoàn Đèo Cả đã sớm triển khai các công việc cụ thể để sẵn sàng tham gia dự án, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên biệt và phát triển các giải pháp công nghệ nội địa hóa.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt" do Báo Giao thông tổ chức tại Hà Nội ngày 19/11/2024.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tọa đàm tập trung vào những vấn đề trọng yếu xoay quanh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, được Chính phủ xác định là biểu tượng của giai đoạn phát triển vượt bậc của đất nước. Với định hướng sử dụng vốn đầu tư công làm chủ đạo, dự án mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức, đặt ra những yêu cầu khắt khe về công nghệ, nhân lực và hành lang pháp lý.

Tại đây, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về khối lượng công việc, cơ hội cũng như những khó khăn liên quan đến dự án mang tính bước ngoặt này.

Cơ hội để nhà thầu trong nước “thay da đổi thịt”

Với tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới hơn 67 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Dự án có tổng chiều dài 1.541km với 60% là kết cấu cầu, 30% kết cấu nền đất, 10% kết cấu hầm sẽ là cơ hội mang lại khối lượng công việc khổng lồ cho các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam chưa từng triển khai một dự án nào có quy mô và vốn đầu tư lớn như vậy. Đây là một cơ hội "thay da đổi thịt" đối với các nhà thầu trong nước. Dự án không quá khó về mặt công nghệ nhưng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng bởi tính quy mô và độ chính xác cao, đặc biệt với tốc độ 350km/h. Dự án này là "trận địa công nghệ" mà các doanh nghiệp Việt cần học hỏi, tiếp cận những kiến thức tiên tiến nhất để ứng dụng.

"Với năng lực và trình độ hiện nay, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn đủ khả năng đảm đương thi công. Thách thức lớn nhất chỉ nằm ở nguồn nhân lực và kinh nghiệm thực tiễn," ông Hiệp khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá cao sự chuyển mình của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thi công, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác và đầu tư đón đầu.

Chuyên gia này nhận định, doanh nghiệp Việt cần chủ động đầu tư và hợp tác quốc tế để đón đầu công nghệ. Ông Kiên nhấn mạnh các lĩnh vực thi công đường sắt như hệ thống cấp điện cho đầu máy, toa xe, hay công nghệ đặt ray đều là những thách thức lớn.

Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu tại buổi tọa đàm

Nguồn nhân lực cũng là một vấn đề nan giải. Theo ông Kiên, may mắn là các trường đại học, đã bắt đầu đổi mới chương trình đào tạo, mở thêm các ngành học mới liên quan đến đường sắt tốc độ cao. "Nếu không tự đầu tư và liên kết, doanh nghiệp Việt có nguy cơ 'thua trên sân nhà", ông Kiên nhấn mạnh.

Doanh nghiệp làm gì để sẵn sàng?

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhận định, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ mang đến cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về công nghệ và kỹ thuật. Tập đoàn Đèo Cả đã sớm triển khai các công việc cụ thể để sẵn sàng tham gia dự án, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên biệt và phát triển các giải pháp công nghệ nội địa hóa.

Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại buổi tọa đàm

Về nhân lực, Đèo Cả đã phân tách rõ các cấp độ, từ kỹ sư đến công nhân. Tập đoàn đã hợp tác với các đơn vị đào tạo và khai giảng hai khóa đào tạo đường sắt cho 200 kỹ sư. Song song đó, các trung tâm huấn luyện thực hành tại công trường được thành lập nhằm đào tạo lực lượng lao động phổ thông gắn bó lâu dài với các dự án lớn.

Lễ khai giảng Chương trình đào tạo xây dựng đường sắt - Metro

Tại các dự án đường bộ hiện tại, Đèo Cả cũng đã thành lập trung tâm huấn luyện thực hành nhằm nâng cao kỹ năng cho công nhân, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn chuyển đổi thi công đường sắt tốc độ cao. Các nội dung đào tạo bao gồm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, và các kỹ thuật hiện trường tiên tiến.

Lớp học tại Trung tâm Đào tạo Huấn luyện Thực hành Đèo Cả

Ở khía cạnh công nghệ, Đèo Cả đã tiến hành các chuyến công tác tại Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu để tham quan, nghiên cứu và mời gọi các đơn vị quốc tế hợp tác. Tập đoàn cũng chủ động tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số, đồng thời hướng tới tham gia sản xuất đầu máy, toa xe nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa theo chiến lược của Chính phủ.

Chúng tôi có thế mạnh về nguồn lực con người, tài chính, đang nghiên cứu tìm hiểu các đơn vị quốc tế có kinh nghiệm, uy tín về công nghệ đường sắt để hợp tác, hướng tới nội địa hóa hoạt động sản xuất phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao”, ông Nguyễn Quang Huy nói.

Ông Văn Hồng Tuân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco4 cho biết doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị nguồn lực về nhân sự, thiết bị và các điều kiện cần thiết khác. Tuy nhiên, ông thẳng thắn chia sẻ rằng dù sở hữu lực lượng nhân sự khá đông đảo, công ty vẫn đối mặt với nhiều hạn chế, đặc biệt là sự thiếu hụt đội ngũ kỹ sư và công nhân kỹ thuật lành nghề.

Mong rằng cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, qua đó nâng tầm năng lực và vị thế của mình”, ông Tuân bày tỏ.

Cần cơ chế đặc thù

Về hành lang pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, hiện nay, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang trình đang có 19 nhóm cơ chế đặc thù, đặc biệt bao gồm nhiều cơ chế đã áp dụng với các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Để dự án đạt hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý và ban hành tiêu chuẩn quốc gia là rất quan trọng. Các cơ chế đặc thù đã áp dụng trong các dự án đường bộ cao tốc cần được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với thực tế, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng và cấp phép mỏ vật liệu. Điều này sẽ giúp giảm thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tự tin đầu tư công nghệ và nhân lực.

Đối với các dự án có quy mô lớn, ông Nguyễn Quang Huy đề xuất ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương nơi có dự án đi qua.

Chúng tôi kiến nghị việc tổ chức thực hiện tách thành hai hợp phần: Hợp phần 1 bao gồm các hạng mục cầu, đường, hầm cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện theo hình thức chỉ định thầu tương tự các dự án đường bộ cao tốc vừa qua; Hợp phần 2 bao gồm phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu,… giao cho doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài để chủ động tiếp cận công nghệ mới cùng các đối tác quốc tế, dần tiến tới chuyển giao và làm chủ công nghệ từ thi công đến quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng thường xuyên”, ông Huy nói.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho rằng: “Đường sắt tốc độ cao là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện năng lực, nhưng cần sự đồng lòng và liên kết chặt chẽ. Việc xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp tự tin đầu tư công nghệ và nhân lực.”

Các nhà thầu Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có khi tham gia dự án đường sắt tốc độ cao - công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức lớn về cơ chế, công nghệ và nguồn nhân lực. Để vượt qua những trở ngại này, không chỉ cần sự nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi sự đồng lòng giữa các đơn vị tham gia, cùng sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Đây cũng là cơ hội để nâng tầm năng lực và vị thế của các doanh nghiệp Việt trên bản đồ quốc tế.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang được Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8.

Theo phương án được đề xuất, dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km. Điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi). Điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm). Tốc độ thiết kế 350km.

Trên toàn tuyến được đề xuất bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Tin bài: Trúc Linh