Nhiều chương trình đào tạo, trao đổi với đề tài đa dạng, thiết thực đã và đang được thực hiện từ các văn phòng cho đến các công trường dự án, khơi dậy tinh thần học tập trong toàn hệ thống.
Học và tự học
Thời gian qua, các Tổng giám đốc cùng với bộ phận đào tạo của Tập đoàn đã thực hiện nhiều chương trình đào tạo “hội nhập văn hoá Đèo Cả” ở các công trường Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Trường Vinh, Thung Thi, Hải Vân, Đèo Cả… Ở những nơi đến, cán bộ và người lao động được truyền toả và trao đổi về văn hoá đặc biệt của Đèo Cả, kiến thức nền về nền tảng về Đèo Cả như: Thuyết tam định, phương châm quản trị, mục tiêu chiến lược…
Trong ống hầm Thung Thi
Ở mỗi công trường dự án, đối với đặc thù riêng biệt, giáo trình đào tạo được điều chỉnh cho phù hợp với các đối tượng tiếp nhận. Giám đốc dự án hầm Trường Vinh cho rằng: “ở Trường Vinh và Thung Thi mỗi tuần chúng tôi có 1 buổi sinh hoạt. Nội dung là truyền đạt những kiến thức nền về văn hoá cho người lao động. Đối với các dự án này, một lượng nhân sự chúng tôi tuyển từ địa phương cho nên cái chính là truyền đạt làm sao để người lao động thấy được đây là môi trường đáng để họ làm việc lâu dài. Sau khi hết dự án, có thể họ sẽ tiếp tục đi cùng chúng tôi ở các dự án khác”.
Ở khu vực miền Trung, các chương trình đào tạo, nói chuyện chuyên sâu với cán bộ nhân viên, HHV luôn mời các thành viên HĐQT tham dự để truyền đạt thêm những đường hướng của Tập đoàn cũng như lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của người lao động một cách trực tiếp. Không những vậy, ở các chương trình đào tạo này HHV cũng đã phối hợp một cách hiệu quả với các trường đại học, trường nghề khu vực miền Trung cùng tham dự.
PCT HĐQT Nguyễn Tấn Đông nói chuyện với cán bộ nhân viên hầm Đèo Cả
Tổng Giám đốc HHV Nguyễn Quang Huy cho biết: “Việc phối hợp tổ chức đào tạo đến từ nhu cầu từ hai phía. Các bạn sinh viên sẽ hiểu hơn về Đèo Cả. Đây là một địa chỉ để các bạn sau khi ra trường có thể cống hiến. Phía chúng tôi cũng tạo điều kiện hết sức có thể để các bạn tìm hiểu, kiến tập, thực tập và tạo ra nguồn nhân sự chuẩn bị cho tương lai của mình”.
Các ban chuyên môn cũng đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo riêng đối với đặc thù công việc của mình. Ban HCNS, KSNB-PC là quy trình quy chế hoạt động, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, Ban Truyền thông là kỹ năng ứng xử với giới truyền thông báo chí, kỹ năng thuyết trình…
Tiến sĩ Lê Văn Hỷ trao đổi trực tuyến với ban điều hành các công ty, dự án kinh nghiệm ứng xử với giới báo chí - truyền thông
Theo Tổng Giám đốc Ngọ Trường Nam: “Song song việc kết nối bên ngoài tổ chức những chương trình mang tính sư phạm, chuyên sâu thì các ban chuyên môn phải truyền tải kinh nghiệm cho nhau theo hình thức người biết nhiều nói cho người biết ít, lan toả một phong trào học tập cho toàn hệ thống”.
Công đoàn cũng đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế vào các công trường, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động tại các dự án. Bên cạnh đó, Công đoàn DCG cũng đã tới nhà người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống tại khu vực Huế - Đà Nẵng và trao đổi với Ban điều hành khu vực xem xét tạo điều kiện để họ tiếp tục có cơ hội làm việc.
Công đoàn DCG nói chuyện và trao quà cho người lao động tại dự án hầm Trường Vinh
Đối với việc kết nối đào tạo chuyên ngành, Đèo Cả đã hợp tác với các đơn vị như Trường cao đẳng GTVT TW 4, trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Hồng Lam… để mở các lớp đào tạo nghiệp vụ cho người lao động tại công trường các dự án đang thi công.
Học viên lái máy xúc tại công trường hầm Thung Thi được thi sát hạch sau hơn 1 tháng đào tạo
Nội dung đào tạo cho khối thi công bao gồm lái xe, lái máy, thợ khoan-nổ mìn, thợ hàn, thợ phun bê tông… Về khối công tác vận hành hầm và đường bộ, nội dung đào tạo gồm PCCC & CHCN, y tế cứu thương, tuần tra đường bộ, an toàn lao động…
Tham gia khóa đào tạo, học viên được trang bị về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và quy trình vận hành các loại máy móc thiết bị liên quan đến công việc. Đồng thời, giúp học viên nâng cao ý thức tự giác chấp hành kỷ luật lao động, có ý thức trách nhiệm với công việc được giao, chấp hành nội quy, quy chế của đơn vị và của ngành. Không chỉ đào tạo lý thuyết, mỗi khóa học thường phần thực hành ngay trên công trường nơi học viên đang làm việc nhằm thuần thục các thao tác đã được đào tạo trong phần lý thuyết. Sau đó, học viên sẽ thi sát hạch và được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.
Lễ tốt nghiệp lớp đào tạo khoan - phun bê tông tổ chức tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Hồ Đình Chung cho biết, việc đào tạo hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác thi công các dự án Tập đoàn đã và đang thực hiện.
“Với khối lượng công việc dự kiến rất lớn sắp tới, Tập đoàn Đèo Cả đã và đang thực hiện song song nhiều phương án để củng cố nguồn nhân lực. Ngoài tăng cường tuyển dụng, việc đào tạo để nâng cao chất lượng người lao động là bước quan trọng trong chiến lược về nhân sự của Tập đoàn”, ông Chung cho biết thêm.
Văn hoá và nhân lực là 2 thứ không thể vay mượn
Trước đó, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức toạ đàm liên kết phát triển nguồn nhân lực với sự tham gia của các thầy, cô giáo, sinh viên tiêu biểu đến từ 15 trường đại học, cao đẳng, nghề trên cả nước, nhằm giới thiệu các hoạt động sản xuất kinh doanh, văn hóa Đèo Cả đến các bạn sinh viên, qua đó tăng cường mối quan hệ hợp tác với các trường trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho hệ thống.
Trong buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐQT Hồ Minh Hoàng đã khẳng định quan điểm về tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với tổ chức: “Tiền có thể đi vay được, nhưng văn hoá và nhân lực là hai thứ phải tự tạo lập và xây dựng lên chứ không thể đi mượn ai được”.
Ông Hồ Minh Hoàng chủ trì tọa đàm
Trong khuôn khổ toạ đàm, lãnh đạo Ban điều hành Tập đoàn Đèo Cả đã trình bày triển vọng ngành hạ tầng giao thông và nhu cầu nhân sự của hệ thống trong thời gian tới. Theo dự kiến, khối lượng thi công xây lắp giai đoạn 2022 - 2025 lên đến 38.700 tỷ đồng với 300km đường cao tốc, 25km cầu, 9km hầm xuyên núi và thi công M&E.
Để đáp ứng được khối lượng công việc rất lớn trong thời gian tới, Tập đoàn Đèo Cả đã chuẩn bị các phương án thu hút nguồn nhân lực quy mô tương đương. Dự kiến đến năm 2025, quy mô nhân sự của Tập đoàn là hơn 10.000 lao động. Đèo Cả đã liên kết và hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, trường nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo các nhóm ngành. Đối với nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ, Tập đoàn hợp tác với các trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Bách khoa, Đại học Công nghiệp Vinh… nhóm ngành tài chính, luật sẽ liên kết với Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật, Học viện Tài chính…
Toàn cảnh chương trình toạ đàm phát triển nguồn nhân lực do Tập đoàn Đèo Cả chủ trì tại Quy Nhơn
Đại diện Tập đoàn cũng đã giới thiệu đến các em sinh viên, giáo viên nền tảng văn hoá doanh nghiệp với những công cụ điều hành, thuyết quản trị, quy trình đào tạo phát triển nhân lực.
Buổi tọa đàm nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, thiết thực từ lãnh đạo và sinh viên tiêu biểu các trường đại học. Ông Hồ Minh Hoàng đã trực tiếp trả lời những câu hỏi của sinh viên về quản trị tài chính, đào tạo nhân lực và trò chuyện thân mật, thẳng thắn chia sẻ với các em về quan điểm học tập, kỹ năng sống, định hướng tương lai...
PGS. TS Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, từ những thành quả đã làm được có thể khẳng định rằng Đèo Cả, người Việt Nam cũng làm được những công trình tầm cỡ quốc tế, hiện thực hóa khát vọng người Việt. “Chúng tôi rất mong sẽ tiếp tục hợp tác với Đèo Cả trong những mục tiêu sắp tới, góp phần vào những thành công của tập đoàn và mang lại những giá trị thực phục vụ người dân, để trường là mảnh ghép hoàn thiện hệ thống trong tương lai”, PGS.TS Bùi Đức Thọ chia sẻ.
PGS. TS Bùi Đức Thọ - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phát biểu tại toạ đàm
Cũng trong chương trình này, Đèo Cả đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với 6 trường là Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V, Đại học Quy Nhơn, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải và Đại học Giao thông vận tải Hồ Chí Minh. Nội dung các thỏa thuận khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện học tập, cơ hội việc làm cho sinh viên, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Đèo Cả với các nhà trường.
T.T