“Đo ni đóng giày” để tối ưu hiệu quả đào tạo

10/01/2025     1452

Các nhân sự của Tập đoàn Đèo Cả và đối tác tham gia học Khóa 1 văn bằng 2 Đường sắt - Metro (khoá 1) tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM (UTH) đang trên đường về đích, mang theo nhiều kỳ vọng của không chỉ doanh nghiệp, nhà trường mà còn của Đảng, Chính phủ với sứ mệnh tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Lễ khai giảng khoá 2 chương trình đào tạo chuyên ngành đường sắt - metro

Đây là khoá học đầu tiên thuộc chương trình đào tạo mà Tập đoàn Đèo Cả đặt hàng UTH đào tạo cho gần 40 học viên là nhân sự thuộc các đơn vị trong hệ thống Tập đoàn Đèo Cả và các đối tác. Các học viên này đã tốt nghiệp các chuyên ngành Xây dựng công trình giao thông, Cầu đường, Địa chất thủy văn, Kỹ thuật địa chất… tại các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam. Hiện nay, khoá 1 đã hoàn thành 2 học kỳ, đang triển khai học kỳ 3 và dự kiến kết thúc vào tháng 8/2025.

PGS.TS. Phạm Thị Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (thuộc Trường UTH) cho biết, các học phần đều chú trọng cao vào tính thực tiễn và ứng dụng của người học sau khi tốt nghiệp. Đơn cử như mảng xây dựng, hiện các học viên đều đã tốt nghiệp chuyên ngành và ngành gần là xây dựng hạ tầng giao thông, hơn nữa là đang công tác trong ngành, vì vậy, chương trình học được thiết kế để người học tiếp cận nhanh vào các học phần chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

“Chương trình học văn bằng 2 được “đo ni đóng giày” cho các học viên trên cơ sở nền tảng kiến thức đã được trang bị trước kia và yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp, do đó khối lượng đào tạo được rút ngắn, từ đó cơ bản sau khoảng 18-24 tháng các học viên sẽ hoàn thành khóa học”, cô Anh cho biết.

Mục tiêu chương trình thực tế giúp học viên áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn, qua đó hiểu rõ hơn về quy trình vận hành tại các nhà ga. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để học viên tiếp cận và tìm hiểu những thách thức cũng như tiềm năng phát triển của ngành đường sắt trong nước.

Tham quan thực tế tại Ga Hà Nội

Người học được trang bị các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về thiết kế, thi công và quản lý các dạng công trình như thiết kế nền và kết cấu tầng trên đường sắt, công trình cầu đường sắt, công trình hầm đường sắt, nhà ga đường sắt quốc gia, ga đường sắt đô thị và kỹ thuật xây dựng các dạng công trình đường sắt tốc độ cao. Ngoài ra, học viên còn được trang bị thêm tiếng anh chuyên ngành đường sắt để sẵn sàng tiếp cận và làm việc với môi trường liên danh đa quốc gia.

“Hiện nay, khóa đầu tiên đã đi gần được 2/3 chặng đường. Khoá này không chỉ mang theo sự kỳ vọng của Tập đoàn Đèo Cả, mà còn là sự gửi gắm tâm huyết của thầy cô, nhà trường UTH”, cô Anh nói.

Anh Trần Đức Việt - Lớp trưởng Khoá 1 cho biết, học viên của lớp đều vừa học vừa làm, khối lượng công việc chuyên môn cũng không nhỏ. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, các học viên luôn ý thức sắp xếp công việc, tham gia đầy đủ các buổi học để hoàn thành tiến độ học tập theo kế hoạch chung của Nhà trường và Tập đoàn.

Tham quan thực tế tại Ga Sài Gòn

“Tập đoàn đã tạo điều kiện cho chúng tôi được học tập, trau dồi kiến thức và tạo cơ hội để góp phần xây dựng hạ tầng cho đất nước. Do đó, chúng tôi ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình và nỗ lực học tập, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm để đáp ứng sự kỳ vọng không chỉ của lãnh đạo tập đoàn, nhà trường mà còn để hiện thực hóa khát vọng đóng góp cho đất nước”, anh Việt chia sẻ.

Chương trình đào tạo đường sắt - metro tiếp nối khi khoá 2 được khai giảng vào tháng 11/2024, đào tạo cho 130 học viên là các nhân sự được chọn lọc từ các phòng ban của Tập đoàn Đèo Cả, các công ty thành viên và đối tác. Khóa học chia thành 3 lớp thuộc 2 chuyên ngành là Xây dựng đường sắt và Kỹ thuật điều khiển tự động và thông tin tín hiệu đường sắt.

Bên cạnh đào tạo lý thuyết, Đèo Cả cũng tổ chức các chương trình công tác nước ngoài, nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt - metro, tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản, Trung Quốc… để chuyển giao công nghệ và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu để “bản địa hóa” công nghệ và thiết bị sao cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu của thị trường Việt Nam.

Theo Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 67 tỷ USD, là dự án hạ tầng giao thông lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Tuyến đường dài 1.541 km với 60% là kết cấu cầu, 30% nền đất, 10% hầm sẽ mang lại khối lượng công việc đặc biệt lớn cho các nhà thầu xây xây dựng hạ tầng giao thông Việt Nam.

Theo tính toán, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ cần khoảng 13.800 nhân lực để khai thác, vận hành. Ngoài ra, tuyến đường sắt tốc độ cao cần đội ngũ quản lý dự án khoảng 700 - 1.000 người, đơn vị tư vấn cần đào tạo 1.000 - 1.300 người; đơn vị vận hành khai thác cần 13.800 người. Lĩnh vực xây dựng, tổ hợp công nghiệp chế tạo, sản xuất vật tư, linh kiện theo lộ trình thực hiện dự án cần khoảng 220.000 người.

Tin bài: TT