Để tối ưu hiệu quả thực hiện cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

06/12/2023     1336

Ngày 5/12/2023, tại Cao Bằng, Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với Tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị “Chung tay xây dựng Cao Bằng”, giới thiệu mô hình quản lý dự án đầu tư 3P+ đổi mới năng lực quản lý dự án - thi công công trình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng).

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự chương trình có ông Trần Hồng Minh - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng, ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, Phó Ban Chỉ đạo dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Hội nghị còn có sự góp mặt của các đối tác của Tập đoàn Đèo Cả.

Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh nhà đầu tư

Tại hội nghị, UBND tỉnh Cao Bằng đã công bố kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo phương thức PPP giai đoạn 1.

Theo Quyết định 1269/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng, liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng Công trình 568 đã được chọn là nhà đầu tư thực hiện Dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh các bên cần đồng lòng để triển khai dự án thành công

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, mặc dù quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi các Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức PPP chưa hoàn thiện, thủ tục triển khai dự án bị kéo dài nhưng tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư đề xuất dự án đã kiên trì bám sát, theo đuổi mục tiêu hoàn thành dự án đến cùng.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, tuy Dự án đã được Quốc hội tăng tỷ lệ vốn Nhà nước, tỉnh đã chọn được nhà đầu tư nhưng còn những bước đi tiếp theo điều chỉnh chủ trương đầu tư, ký kết hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng, giải ngân vốn theo kế hoạch và quyết toán, kiểm toán dự án đòi hỏi sự tập trung cao độ của các bên liên quan.

Liên danh nhà đầu tư ý thức được những thách thức còn ở phía trước khi thực hiện dự án, xác định còn nhiều khó khăn, các bên liên quan cần cùng nhau vừa làm, vừa học, vừa tháo gỡ vướng mắc cơ chế chính sách nếu có.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh

Là nhà đầu tư trong liên danh thực hiện cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ông Nguyễn Bá Khương - Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng công trình 568 bày tỏ sự tin tưởng với kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án khó, Tập đoàn Đèo Cả sẽ dẫn dắt liên danh thực hiện thành công dự án. Ông cũng nhận định việc Quốc hội tăng tỷ lệ vốn tham gia của nhà nước lên 68,3% là yếu tố quan trọng tháo gỡ nút thắt về vốn, thuận lợi để triển khai dự án.

Ông Nguyễn Bá Khương - Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng công trình 568 phát biểu tại hội nghị

Có 20 năm gắn bó làm việc tại Cao Bằng và tôi sẽ chung sức cùng Tập đoàn Đèo Cả thực hiện thành công tuyến đường này

Ông Nguyễn Bá Khương khẳng định

Ông Trần Hồng Minh - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng trao quyết định lựa chọn nhà đầu tư

Nói về tình hình triển khai các công việc của địa phương tại dự án, ông Trần Hồng Minh cho biết, hiện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang tích cực phối hợp với các bộ ngành để triển khai điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế thí điểm tăng vốn nhà nước tham gia vào Dự án, đồng thời, hoàn thành thương thảo, đàm phán hợp đồng và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư.

Ông Trần Hồng Minh - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng cho biết đang tích cực phối hợp bộ ngành để điều chỉnh chủ trương dự án sau khi có Nghị quyết cơ chế thí điểm tăng vốn NN

Ông Hoàng Xuân Ánh cam kết Cao Bằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư triển khai dự án và mong muốn nhà đầu tư thực hiện dự án hiệu quả.

Địa phương và nhà đầu tư đều có quyết tâm, Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị có tiềm lực, có kinh nghiệm và hơn nữa là có trách nhiệm đối với xã hội, cụ thể là trách nhiệm đối với địa phương khó khăn như tỉnh Cao Bằng. Do đó, chúng tôi tin rằng dự án sẽ được thực hiện thành công

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ

Ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tin tưởng dự án sẽ được thực hiện thành công

Huy động vốn theo mô hình “3P+”

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án có nhiều khó khăn, phức tạp về quy mô, điều kiện tự nhiên, vốn đầu tư lớn… để kiểm soát sử dụng vốn, Tập đoàn Đèo Cả với vai trò đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư đã đưa ra phương thức thực hiện dự án “3P+”. Đây là phương thức tổ chức mà nhà thầu đồng thời là nhà đầu tư, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu EC và EPC thay vì các nhà thầu đơn lẻ.

Phương thức 3P+ thực hiện dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Phương thức thực hiện dự án “3P+” là sáng kiến đúc kết kinh nghiệm 15 năm Tập đoàn Đèo Cả đầu tư, thi công, quản lý vận hành các dự án giao thông quy mô lớn được triển khai theo phương thức đầu tư PPP, đầu tư công. Phương thức này sẽ góp phần tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án. Bên cạnh đó, lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.

Ở mô hình huy động vốn “3P+”, vốn đầu tư dự án được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án. Cụ thể:

P1+ là phần vốn NSNN đóng góp bao gồm vốn NSTW và vốn NSĐP với tỷ lệ vốn Nhà nước góp trên 50% và tối đa 70%.

P2+ là vốn chủ sở hữu đến từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.

P3+ vốn huy động từ tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng BBC, nguồn vốn nước ngoài…

Mô hình huy động vốn dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Ông Nguyễn Việt Bắc - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Nhà đầu tư thứ cấp của Dự án) nhận định: “Tôi ủng hộ phương thức 3P+ . Bản chất của phương thức này là huy động vốn từ xã hội, vốn từ Nhà nước để làm nên công trình phục vụ người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Những công trình lớn như thế này được triển khai thực hiện còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân cho nên hiệu quả kinh tế - xã hội sau khi hoàn thành công trình còn lớn lao hơn rất nhiều”.

Ông Nguyễn Việt Bắc - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc ủng hộ phương thức 3P+

Sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao

Để triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, phát triển nguồn nhân lực được Tập đoàn Đèo Cả ưu tiên hàng đầu, trọng tâm là đào tạo.

Tập đoàn Đèo Cả tối ưu hiệu quả thực hiện cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Với đội ngũ quản lý, Tập đoàn đặt hàng các trường đại học, giao chỉ tiêu cho các lãnh đạo học thạc sĩ, tiến sĩ với các đề tài nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn của Tập đoàn.

Với đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, Đèo Cả xây dựng các chuyên đề đào tạo nội bộ được đúc kết từ thực tiễn triển khai các dự án của Tập đoàn, phổ biến cho đội ngũ nhân sự mới. Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả liên kết với các trường đại học để đào tạo kiến thức về ứng dụng công nghệ trong thực hiện dự án.

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, Tập đoàn Đèo Cả còn xem công trình này thao trường để huấn luyện đào tạo công nhân, kỹ sư và bộ máy quản lý. “Tại đây, chúng tôi sẽ hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo thực tiễn cho các công nhân, kỹ sư. Đặc biệt lần này chúng tôi đưa ra các đề tài nghiên cứu ứng dụng thực tiễn tại công trường để sau khi hoàn thành Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, liên danh nhà đầu tư nói riêng và ngành giao thông nói chung sẽ có nguồn nhân lực tốt hơn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong tương lai”, ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh.'

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao đào tạo bám sát thực tiễn triển khai dự án

Tại hội nghị này, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao cách thức đào tạo nhân sự của Tập đoàn Đèo Cả gắn liền với thực tiễn. Ông cho rằng Đèo Cả là đơn vị tiên phong khi đào tạo nhân lực bám sát thực tế thực hiện cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, một dự án khó áp dụng nhiều điểm mới từ mô hình quản lý và huy động vốn “3P+”, áp dụng công nghệ tiên tiến… Chất lượng nhân lực tốt, có khả năng “thực chiến” là nền tảng để dự án được thực hiện thành công.

Bên cạnh đó, phương pháp đào tạo này còn là cơ sở kiểm chứng cho các kiến thức, chuyên đề, đề tài nghiên cứu của các học viên để cơ sở đào tạo không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải trong tương lai.

PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn

Hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả đang phối hợp chặt chẽ với địa phương chuẩn bị khởi công Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào đầu năm 2024.

Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 1 có chiều dài 93,35km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh - huyện Văn Lãng - tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo - huyện Quảng Hòa - tỉnh Cao Bằng. Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/h, với bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.167 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian hoàn vốn dự kiến là 24 năm 10 tháng.

Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đại phương và khu vực, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia.

Ngọc Trang