Trong quá trình thi công đào và gia cố hầm Ban điều hành phát hiện đới địa chất dị thường có sai khác so với bản vẽ thiết kế kỹ thuật hầm núi Vung đã được Bộ GTVT phê duyệt.
Ngày 21/12/2022, ban điều hành cùng TS. Nguyễn Thế Phùng - Chuyên gia trong lĩnh vực công trình ngầm và đại diện Ban 85, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu đi kiểm tra hiện trường địa chất hầm phía Nam Núi Vung, công trình thuộc dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo để đánh giá và đưa ra phương án giải quyết.
Tổ công tác kiểm tra thực địa vị trí phát hiện đới địa chất dị thường
Cụ thể, tại lý trình mặt gương hầm phải tại Km 123+947,80 xuất hiện mạch nước ngầm (lưu lượng khoảng 42 lít/phút ~ 2,5 m3/giờ) và có hiện tượng cát chảy. Theo TKKT, dự kiến lý trình đoạn gặp đới địa chất dị thường cách gương đào hiện tại khoảng 70m. Tại lý trình Km 123+938,10 của mặt gương hầm Trái cũng xuất hiện hiện tượng sạt lở, nước chảy thành dòng lớn và cát chảy. Vị trí này nằm trong phạm vi đới địa chất dị thường theo bản vẽ TKKT.
Với tình hình địa chất phức tạp, Ban điều hành dự án đã yêu cầu đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát vừa thi công, vừa quan trắc theo dõi chặt chẽ độ chuyển vị của kết cấu chống đỡ.
Nhận thấy được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thi công qua vùng địa chất phức tạp của hạng mục hầm Núi Vung, Ban điều hành dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã nhanh chóng thành lập tổ công tác kiểm tra hiện trường và mời chuyên gia để đưa ra phương án xử lý.
Sau khi kiểm tra điều kiện thực tế địa chất hiện trường, các bên đã tổ chức họp bàn ngay trong đêm để đưa ra phương án xử lý. 22h cùng ngày, tổ công tác đã thống nhất 6 giải pháp với mục tiêu ngay lập tức tắt chuyển vị kết cấu hầm cũng như tiến hành khoan đào các gương tiếp theo nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Tại cuộc họp, ông Hồ Đình Chung yêu cầu đơn vị thi công, tư vấn TKKT và TVGS phối hợp triển khai ngay các giải pháp đã đưa ra. “Đây là yếu tố bất khả kháng không lường trước được nhưng cũng là cơ hội để đội ngũ kỹ sư thực chiến thể hiện khả năng và đúc kết kinh nghiệm. Ban điều hành đề nghị tư vấn thiết kế phối hợp với các bên nhanh chóng lập hồ sơ điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để không ảnh hưởng đến công tác thi công”, ông Chung nói.
Theo TS. Nguyễn Thế Phùng, các công trình ngầm, đặc biệt là hầm xuyên núi thường xuyên gặp phải các đới địa chất dị thường phức tạp không lường trước được, do đó phải đặc biệt chú trọng công tác quan trắc thường xuyên. Đồng thời, chuyên gia Nguyễn Thế Phùng cũng chỉ ra những điểm cần lưu ý trong quá trình thi công, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ công đoạn phun bê tông theo đúng thiết kế để đảm bảo chất lượng công trình.
Lam Trà