Đèo Prenn - Cung đường ngắn ý nghĩa dài

14/12/2023     1354

Sau 200 ngày thi công dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn (TP. Đà Lạt) dài 7,4km chính thức thông xe kỹ thuật toàn tuyến, đưa vào vận hành 3km đoạn từ thác Đatanla đến cuối tuyến.

Ngày 14/12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thông tuyến dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn. Đoạn tuyến từ thác Đatanla đến cuối tuyến dài gần 3km đã hoàn thiện và được nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

3km cuối tuyến đã được đưa vào vận hành phục vụ người dân từ hôm nay

Theo đó, từ 08 giờ 30 phút ngày 14/12/2023, các phương tiện (trừ xe tải) được lưu thông từ thác Đatanla (Km226+165) đến cuối tuyến (Km229+049), giáp đường Ba tháng Tư, TP. Đà Lạt.

Đèo Prenn nằm trên quốc lộ 20, là tuyến cửa ngõ kết nối thành phố Đà Lạt với sân bay Liên Khương, cao tốc Liên Khương – Prenn, huyết mạch kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Đèo Prenn có mặt đường cũ chỉ rộng 7m với 2 làn xe, gây khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xe cộ khi lưu thông qua tuyến. Để người dân đi lại được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn hơn, đèo Prenn đã được nâng cấp theo phương án tuyến hạn chế bạt núi, điều chỉnh cục bộ taluy âm để đảm bảo giữ cảnh quan, giảm thiểu tác động đến rừng thông nguyên sinh.

Đèo Prenn uốn lượn giữa rừng thông

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thống nhất với đơn vị tư vấn và yêu cầu nhà thầu thi công có giải pháp thực hiện phù hợp để giữ được giá trị cảnh quan, lịch sử của đèo Prenn. Dự án được khởi công từ tháng 2/2023, có tổng mức đầu tư 553 tỷ đồng. Tập đoàn Đèo Cả đã đưa đơn vị có kinh nghiệm thi công là Công ty CP Xây dựng Đèo Cả (DCC) và đơn vị có kinh nghiệm đảm bảo an toàn giao thông là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) thực hiện.

Nâng cấp đèo Prenn là dự án đường đèo núi có TMĐT thấp nhất trong các công trình mà Đèo Cả đã từng thực hiện. Tuy nhiên, việc thi công đèo Prenn lại có yêu cầu rất phức tạp bởi vừa phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, vừa giữ gìn được cảnh quan thiên nhiên, chất lượng công trình nhưng phải đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình thi công và cho người dân lưu thông khi công trình đưa vào khai thác nhưng việc sạt lở có thể còn diễn ra.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao năng lực nhà thầu thi công

Tại dự án này, đơn vị thi công đã áp dụng công nghệ số, ứng dụng BIM xuyên suốt quá trình thi công để quay lại hiện trạng, theo dõi kiểm soát các diễn biến bất thường của địa hình, địa chất nhằm tránh rủi ro xâm phạm ranh giới của rừng, đảm bảo cảnh quan môi trường như yêu cầu của tỉnh Lâm Đồng đặt ra, sớm đưa cung đường này phục vụ người dân với tiêu chí “Ngon - bổ - rẻ” nhưng phải “Nhanh - đẹp - an toàn”.

Sau khi hoàn thành, đèo Prenn là tuyến đường đèo có quy mô mặt đường rộng nhất cung đường đèo ở Việt Nam với mặt đường rộng 14,5m, 4 làn xe – tương đương quy mô đường cao tốc hạn chế (đầu tư giai đoạn 1). Một số khúc cua ngoặt nguy hiểm trên đèo Prenn sẽ được nắn thẳng để mở rộng tầm nhìn. Đặc biệt, “khúc cua tử thần” tại lý trình Km224+854 gần thác Datanla được nắn thẳng bằng cầu cải tiến, xóa sổ điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến.

Đèo Prenn thông tuyến đưa vào vận hành 3Km đầu tuyến

Dự án đèo Prenn có đặc thù địa hình hiểm trở, phức tạp với một bên là vách núi, một bên là vực sâu với độ cao rất lớn. Điều này đặt ra yêu cầu rất cao về kỹ thuật và phương án tổ chức thi công chặt chẽ. Thêm vào đó, mùa mưa năm nay diễn biến hết sức phức tạp, mưa lớn kéo dài từ tháng 6 – tháng 9 làm ảnh hưởng lớn đến khâu tổ chức thi công ở công trường. Nguy hiểm hơn là thời tiết mưa lớn gây hiện tượng sụt trượt đất. Đặc biệt với địa hình đèo dốc như tại Prenn.

Ông Phạm Văn Hùng Tổng Giám đốc DCC cho biết “3km cuối tuyến đã được đưa vào vận hành phục vụ người dân từ hôm nay. Chúng tôi đang nỗ lực thi công 4km còn lại để kịp thời đưa vào phục vụ tạm cho người dân lưu thông dịp tết dương lịch, dự kiến trong 4 ngày. Sau đó tiếp tục hoàn thiện để khánh thành trước tết Giáp Thìn 2024 đúng theo chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng”.

TT