Ngày 14/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả tổ chức hội nghị các nhà đầu tư, nhà thầu để nghiên cứu xúc tiến đầu tư thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 2.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dự án giai đoạn 2 được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương triển khai. Chương trình do ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chủ trì, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo gần 20 doanh nghiệp là các nhà đầu tư, nhà thầu quan tâm dự án, các ngân hàng thương mại.
Toàn cảnh hội nghị
Mở đầu hội nghị ông Hồ Minh Hoàng cho biết, hội nghị để đánh giá lại kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm cần rút ra trong quá trình triển khai giai đoạn 1: “Xác định xong việc cũ thì mời bàn việc mới.”
Với vai trò là nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất giai đoạn 2 dự án, Tập đoàn Đèo Cả cùng các bên trao đổi, chia sẻ những khó khăn, đề xuất các giải pháp giải quyết yêu cầu đường găng tiến độ của giai đoạn 1 và đưa giải pháp phối hợp hiệu quả hơn, tránh lãng phí … nếu tiếp tục tham gia giai đoạn 2 dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh và các dự án khác sau này.
“Tôi tin rằng chính những nhà thầu đang có mặt tại đây, những người đã đồng hành cùng chúng tôi nếu vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, sẽ trở thành những nhà thầu lớn trong tương lai”, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả bày tỏ tin tưởng.
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại hội nghị
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng
Tại đây, ông Nguyễn Bá Khương - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn ĐTXD 568, nhà đầu tư trong liên danh nhà đầu tư dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đồng thời là nhà thầu dự án này và dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, chia sẻ: “Phải nói là các dự án PPP mà chúng tôi đang thực hiện khó khăn rất nhiều. Nhất là khi được triển khai với một tốc độ đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, thì có thể nói là chưa từng thấy. Khởi công từ đầu năm 2024, đến cuối năm mặt bằng mới cơ bản để thi công được 10%. Đồng nghĩa với 2025 chúng tôi phải thực hiện 90% công việc còn lại để thông tuyến, một khối lượng khổng lồ mà các đơn vị phải thực hiện.”
Tuy nhiên, là đối tác của Tập đoàn Đèo Cả, đại diện Công ty 568 cho biết đã được Đèo Cả hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp. Công ty 568 cũng như các nhà đầu tư, nhà thầu khác hợp tác với Đèo Cả được Tập đoàn ủng hộ nhiều mặt, đặc biệt là có các giải pháp thi công, bổ sung nhân lực khi bứt tốc các dự án. Trước áp lực về thời gian thông tuyến, tuy nhiên với sự chủ động của mình và sự hỗ trợ của Tập đoàn Đèo Cả, Công ty 568 tự tin sẽ hoàn thành dự án giai đoạn 1 đúng hẹn và sẵn sàng đồng hành Đèo Cả các công việc sau này.
Ông Nguyễn Bá Khương - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn ĐTXD 568 phát biểu tại hội nghị
Ông Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư ĐCT 559, đối tác nhà thầu của Tập đoàn bày tỏ bày tỏ mong muốn được Tập đoàn Đèo Cả hỗ trợ bổ sung và giúp đào tạo nhân sự như Công ty 568 vừa qua để có thể đẩy nhanh thi công. “Mặc dù nhiều khó khăn và thời tiết mưa kéo dài, chúng tôi cam kết hoàn thành phần công việc của mình để phục vụ thông tuyến”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư ĐCT 559 bày tỏ mong muốn được Tập đoàn Đèo Cả hỗ trợ bổ sung nhân sự sớm nhất để đẩy nhanh thi công.
Theo Tổng Giám đốc CTCP Linh Giang, ông Nguyễn Văn Hải, trong quá trình tham gia thực hiện dự án giai đoạn 1 công ty này nhận thấy đây là một “sân chơi” lớn, chuyên nghiệp. Làm việc với Đèo Cả thuận lợi vì được hỗ trợ hướng dẫn, từ công tác phối hợp GPMB, chỉ đạo thi công, thanh toán... Ông Hải bày tỏ: “Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 là lần đầu tiên Linh Giang tham gia với Tập đoàn Đèo Cả và mong muốn được gắn bó với Tập đoàn. Tuy nhiên chúng tôi là nhà thầu nhỏ nên việc tuyển dụng nhiều người có trình độ đáp ứng công việc tương đối khó, hy vọng tiếp tục được Đèo Cả hỗ trợ tuyển mới và đào tạo CBCNV, đào tạo nâng cao cả năng lực quản lý cán bộ kỹ thuật, vận hành xe máy trên công trường.”
Ông Nguyễn Văn Hải - Tổng Giám đốc CTCP Linh Giang phát biểu tại hội nghị
Đồng quan điểm, ông Lê Vũ Anh - Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng nền móng Long Giang bày tỏ ấn tượng với cách làm quyết liệt của Đèo Cả, tạo khí thế hứng khởi để Long Giang làm việc và cống hiến. Đồng thời, khẳng định quyết tâm dành nguồn lực chủ chốt của mình để cùng đồng hành Đèo Cả các dự án tiếp theo.
Ông Lê Vũ Anh - Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng nền móng Long Giang bày tỏ ấn tượng với cách làm quyết liệt của Đèo Cả
Cũng tại đây, ông Hồ Minh Hoàng ghi nhận các nhà thầu đang rất nỗ lực thực hiện công việc của mình tại các dự án và cho biết, việc đào tạo phát triển nhân lực nằm trong hoạch định chiến lược của Tập đoàn Đèo Cả khi triển khai mô hình PPP ++. Đèo Cả đã đưa nhiều giải pháp trong thời gian qua để giải quyết bài toán về nhu cầu phát triển nhân lực cả về chất và lượng cho tổ chức mình và các đối tác với mong muốn từng bước nâng cao vị trí của các nhà thầu đối tác từ tiềm năng - bắc cầu - kiên định. “Nhà thầu chính mà năng lực còn “đuối” thì chỉ nên làm thầu phụ. Nhà thầu phụ mà làm tốt thì cần được cân nhắc đưa lên làm thầu chính để đóng góp và phát huy tốt hơn.”
Các nhà đầu tư, nhà thầu đối tác có mặt trong chương trình cho biết đã trường thành, lớn mạnh hơn khi đồng hành với Đèo Cả qua các dự án, thể hiện cam kết hoàn thành công việc đang đảm nhận, kỳ vọng tiếp tục c̀̀ùng Tập đoàn Đèo Cả hợp tác lâu dài.
"Chúng tôi với vai trò nhà đầu tư dẫn dắt ý thức được trách nhiệm của mình phải hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp là đối tác cùng phát triển, chia sẻ nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ mới. Ngược lại, các đối tác của Đèo Cả cũng cần phải coi việc cho cán bộ, người lao động tham gia học tập, phát triển không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm để các đơn vị ngày càng trưởng thành, chúng ta cùng hình thành một hệ sinh thái các nhà đầu tư - nhà thầu có năng lực, sẵn sàng đồng hành Tập đoàn tại các dự án quy mô lớn hơn, yêu cầu kỷ thuật cao hơn như đường sắt, metro….” Ông Hồ Minh Hoàng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả |
Buổi hội nghị còn có các nhà đầu tư, nhà thầu mới, đang tìm hiểu và mong muốn hợp tác cùng Đèo Cả trong tương lai, cùng tham dự. Ông Lê Văn Sinh – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Tân Thành 6 – Thanh Hóa đã phát biểu, hiện nay có nhiều doanh nghiệp tham gia lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhưng Đèo Cả là đơn vị thể hiện được vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp khác. “Dù chúng tôi chưa có cơ hội hợp tác cùng Tập đoàn, nhưng tôi cảm nhận rõ sự minh bạch, cụ thể trong cách tổ chức, triển khai công việc. Điều này tạo được niềm tin rất lớn. Mong rằng các nhà thầu hãy cùng chung tay, phối hợp nhịp nhàng, cùng tiến lên và làm tốt. Một dự án như cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh được triển khai thần tốc, minh bạch và bài bản như thể là hợp ý Đảng lòng dân, chắc chắn sẽ vượt khó và thành công”, ông Sinh chia sẻ.
Ở góc độ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Khánh Hòa - Trưởng phòng kinh doanh Ngân hàng thương mại CP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết ngân hàng vẫn bám sát các công việc tại dự án giai đoạn 1 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn tín dụng. Đối với giai đoạn 2, đại diện này cho biết đã nắm bắt thông tin và sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư nghiên cứu dự án để trình lãnh đạo ngân hàng phương án tham gia tài trợ vốn. “VP Banh đã làm việc và tài trợ vốn cho các dự án của Đèo Cả từ nhiều năm trước khi giải cứu Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay là Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1, chúng tôi rất tin tưởng doanh nghiệp thì mới đồng hành chặng đường dài thế”, bà Hoà nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Khánh Hòa - Trưởng phòng kinh doanh Ngân hàng thương mại CP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) phát biểu tại hội nghị
Kỳ vọng tiếp tục áp dụng PPP++
Trong hội nghị, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết nếu trở thành nhà đầu tư chính thức của dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiếp tục áp dụng mô hình PPP++ để đa dạng hoá nguồn lực bao gồm huy động vốn và gia tăng việc thực thi, giảm thiểu rủi ro về chất lượng trong suốt quá trình triển khai thi công và vận hành khai thác thu phí sau này, bởi chính các nhà đầu tư, nhà thầu tham gia đều phải chịu trách nhiệm bảo hành sản phẩm do mình làm ra. Mô hình này đã được doanh nghiệp áp dụng tại các dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1, Hữu Nghị - Chi Lăng.
Thi công dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại Cầu Km79+250 (thuộc gói thầu EC02) bắc qua sông Bằng
Các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC). Phương thức này góp phần đẩy nhanh tiến độ, tối ưu hiệu quả đầu tư khi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được tích góp tư khâu khấu hao máy móc, tối ưu năng suất lao động được đưa trở lại tham gia góp vốn đầu tư dự án, gắn chặt lợi ích và trách nhiệm của mỗi nhà thầu, nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết nếu trở thành nhà đầu tư chính thức của dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiếp tục áp dụng mô hình PPP++ để đa dạng hoá nguồn huy động vốn và gia tăng hiệu quả dự án
Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị đối tác đào tạo nhân lực thông qua mô hình phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các khoá đào tạo công nhân thực hành và kỹ sư thực chiến. Cụ thể, đào tạo công nhân tay nghề cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc thực tế và kỹ sư có kiến thức quản lý dự án. Đặc biệt việc đào tạo văn hoá, các quy tắc ứng xử trên công trường với kiến thức an toàn lao động, kỹ năng sơ cứu cấp cứu đã được chú trọng ngay từ đầu… Bên cạnh đó, Đèo Cả tăng cường đào tạo ứng dụng công nghệ số, mô hình thông tin công trình (BIM) để kiểm soát tiến độ GPMB, tối ưu trong thiết kế, thi công và minh bạch chi phí.
Lớp học BIM tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Nói về mô hình PPP++, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng mô hình này góp phần làm cho các dự án đối tác công – tư trở nên khả thi hơn, nhất là tại các địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế lớn nhưng lưu lượng xe và doanh thu thấp. Việc này giảm được gánh nặng cho NSNN khi “nhà nghèo nhưng đông con”. PPP++ cho phép tập hợp các doanh nghiệp trong ngành cùng tham gia, phân cấp vai trò các nhà đầu tư, nhà thầu để cùng phát triển, đồng thời tối ưu hoá việc quản lý rủi ro, đảm bảo các bên liên quan đều có trách nhiệm trong suốt vòng đời dự án, “đặc biệt khi Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án, chúng ta đã phải tăng cường nhân lực, máy móc, nghĩa là tăng chi phí nhưng chưa được tính toán bù đắp thì lại càng cần phải đồng lòng. Khi minh bạch được các khoản chi phí đóng góp, sức mạnh hợp lực của các doanh nghiệp sẽ tăng lên. Thông qua mô hình PPP++ tại dự này, chúng ta đã làm được điều đó.”
Chia sẻ trong hội nghị, ông Nguyễn Bá Khương cho hay mô hình này giúp cộng nguồn lực, là chìa khoá để triển khai dự án với quy mô lớn, khó, phức tạp, và khẳng định đây chính là sự đột phá của Tập đoàn Đèo Cả khi sáng tạo đưa ra mô hình này.
Các doanh nghiệp tham dự hội nghị cùng nhận định mô hình PPP++ đã phát huy hiệu quả ở giai đoạn 1 dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và nếu tiếp tục được áp dụng ở giai đoạn 2 chắc chắn sẽ giúp dự án được triển khai nhanh chóng, thuận lợi hơn.
PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho hay, mô hình PPP truyền thống thường gặp khó ở khâu huy động vốn bởi Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, phần còn lại doanh nghiệp phải tự bỏ ra hoặc đi vay ngân hàng. Nhưng vấn đề là nhiều ngân hàng không thấy được tính khả thi, vì chỉ có một nhà đầu tư đứng ra, rủi ro lớn.
Còn mô hình PPP++ mà Đèo Cả đang triển khai có tính sáng tạo ở chỗ không chỉ có một doanh nghiệp, mà là sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực cùng góp sức. Điều này giúp dự án tăng tính khả thi, giảm rủi ro, và từ đó huy động được nhiều nguồn lực xã hội quan tâm tham gia hơn. “Đây là cách làm tôi cho là rất sáng tạo - thực tế và cần được nhân rộng”, ông Trần Chủng đánh giá.
PGS. TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) phát biểu tại hội nghị
70% vốn NSNN tham gia để dự án khả thi triển khai
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 được đầu tư với chiều dài hơn 93,35 km, với quy mô nền đường 17m. Tổng mức đầu tư là 14.114 tỷ đồng, trong đó bao gồm 9.800 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) (~ 69,43% TMĐT). Thời gian hoàn vốn dự kiến 22 năm 4 tháng. Dự án giai đoạn 1 dự kiến thông tuyến trong cuối năm 2025, hoàn thành trong năm 2026.
Giai đoạn 2 mở rộng toàn bộ 93,35 km giai đoạn 1, đồng thời làm mới 27,71 km đường cao tốc kết nối lên đến cửa khẩu Trà Lĩnh.
Thi công dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại gói thầu Km8+500-Km16+000 (xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn)
Theo Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 13/02/2025 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư ngay giai đoạn 2 đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với quy mô 4 làn xe theo phương thức PPP, áp dụng cơ chế như giai đoạn 1; đầu tư hoàn chỉnh nút giao, trạm dừng nghỉ theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc. Trong chuyến công tác thị sát tình hình thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh ngày 2/2/2025, Thủ tướng giao các bộ, ngành hướng dẫn địa phương phương án thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí vốn, địa phương tiếp tục ưu tiên giao cho những doanh nghiệp đã làm tốt giai đoạn 1.
Trên cơ sở đó, ngày 18/3/2025 UBND tỉnh Cao bằng có Công văn số 748/UBND-TH gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đề xuất vốn NSNN tham gia dự án giai đoạn 2 là 7.206 tỷ đồng. Đại diện nhà đầu tư nghiên cứu dự án cho biết, tổng mức đầu tư giai đoạn 2 dự kiến khoảng 10.295 tỷ đồng, trong đó 7.206 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (~70% TMĐT theo đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng), 576 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 2.513 tỷ đồng vốn huy động.
Ông Hồ Minh Hoàng khẳng định: “Phần vốn NSNN tham gia 70% tại các dự án PPP sẽ giúp dự án khả thi hơn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư, ngân hàng thay vì mãi nằm trên giấy, đất nước và người dân sớm được hưởng lợi ích từ các công trình đầu tư tư nhưng dịch vụ công. Khi tăng vốn NSNN tham gia, thời gian thu phí giảm đi, dự án sẽ sớm được bàn giao về cho Nhà nước. Chứ không có chuyện các nhà đầu tư tham gia được hưởng gì quá ưu đãi ở đây.”
Làm rõ về vấn đề này, PGS. TS. Trần Chủng cho biết, tại một số dự án PPP hiện nay, vốn ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền chấp thuận tỷ lệ tham gia đến 70%. Cơ chế này giúp dự án khả thi hơn khi thời gian thu phí giảm đi, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư trong đó có ngân hàng dễ hơn. Các tổ chức tín dụng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc cấp vốn, khơi thông nguồn lực để tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng mục tiêu, quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.
“Tăng phần vốn NSNN vào các dự án PPP đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ Nhà nước làm những công trình công, dịch vụ công mà đáng lẽ Nhà nước có trách nhiệm phải thực hiện. Tư nhân tham gia được bao nhiêu phần vốn vào dự án, thì đã giảm được gánh nặng cho NSNN được bấy nhiêu phần. Nói nhà đầu tư được hưởng gì từ việc tăng vốn NSNN trong các dự án như một số ý kiến dư luận hiện nay, là họ nói mà không hiểu bản chất của đầu tư đối tác công - tư hay có chăng là cố tình không hiểu…?” PGS. TS. Trần Chủng Chủ tịch VARSI |
Định hướng của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030, cả nước sẽ có mạng lưới cao tốc dài 5.000 km, góp phần kết nối vùng, giảm tải cho Quốc lộ 1 và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Là một trong những dự án cao tốc trọng điểm, dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới, với Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước và với quốc tế.
Dự kiến, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2 sẽ được phê duyệt chủ trương, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công trong Quý III/2025.
Tin bài: Tuấn Khang - Ảnh: Tuấn Linh