Tranh thủ “giai đoạn vàng” đẩy nhanh hai dự án cao tốc

19/10/2024     1308

Ngày 17-18/10, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Trần Chủng cùng các thành viên Hội đồng Cố vấn đã có chuyến công tác kiểm tra tiến độ thực hiện hai dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Tham dự đoàn kiểm tra có Cố vấn Ngô Văn Quý, Cố vấn Bùi Văn Hà, Cố vấn Dương Đăng Huệ và ban lãnh đạo Tập đoàn, đại diện lãnh đạo các nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án (DNDA), nhà thầu và các đơn vị tư vấn.

Các thành viên Hội đồng Cố vấn thị sát công trường Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Đây là chuyến kiểm tra quan trọng trong bối cảnh hai Dự án đang bước vào “giai đoạn vàng” để đẩy nhanh tiến độ và giải quyết các thách thức chủ quan và khách quan cần được tháo gỡ nhanh chóng.

“Đỏ mắt” tìm bãi đổ thải

Sau khi đi kiểm tra các đoạn tuyến thuộc dự án Hữu Nghị - Chi Lăng trong phạm vi các Nhà thầu 559, Lizen và Trung Thành thi công, đoàn công tác nghe đại diện DNDA báo cáo về tiến độ dự án.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao được 33,57/59,76 km, mặc dù mặt bằng vẫn còn tình trạng "xôi đỗ", xen kẹp nhưng cơ bản đảm bảo đủ để các nhà thầu triển khai các mũi thi công.

Đến nay một số huyện xã chưa bàn giao được mặt bằng đối với các đoạn DNDA đã đăng ký theo mốc thời gian trong tháng 6/2024 (huyện Cao Lộc, TP Lạng Sơn, huyện Văn Lãng). Nguyên nhân là do chậm trích đo, kiểm kê, xác định nguồn gốc đất, ra thông báo thu hồi đất và vướng mắc một số trình tự thủ tục về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, công tác chi trả tiền bồi thường chậm.

Với lượng lớn đất thải ra từ các công trình rất lớn, DNDA và các nhà thầu hiện đang rốt ráo tìm kiếm các bãi đổ thải.

Ông Lương Văn Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, cho biết trên toàn dự án, nhà thầu đã huy động 279 nhân sự, 205 thiết bị triển khai 16 mũi thi công. Về việc chậm GPMB, DNDA đã tiếp tục gửi văn bản đề xuất UBND các huyện, thành phố về kế hoạch nhận bàn giao mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

Đại diện nhà thầu Trung Thành cho biết sau 7 tháng kể từ lễ khởi công, đơn vị thi công vẫn “đỏ mắt” đi tìm bãi đổ thải. Con số xấp xỉ 3 triệu m3 đất thải là một vấn đề gây đau đầu cho nhà thầu và DNDA.

Trong bước thiết kế cơ sở (FS) của Dự án đã có 28 bãi đổ thải được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận với trữ lượng khoảng 2,1 triệu m3. Theo hồ sơ bước thiết kế kỹ thuật, khối lượng đào rất lớn, sau khi trừ khối lượng đắp hoàn thiện giai đoạn 2 vẫn còn khoảng 2.7 triệu m3 đất cần được bổ sung bãi đổ thải.

Sau khi nghe báo cáo, Cố vấn Bùi Văn Hà nhận định công tác GPMB đã có những tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn “điểm nghẽn” cần giải quyết, đặc biệt là vấn đề bồi thường và tìm kiếm bãi đổ thải.

Cố vấn Bùi Văn Hà đề nghị DNDA cần chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tháo gỡ nút thắt về GPMB và tìm kiếm những bãi đổ thải có quy mô lớn. Liên quan tới việc thiếu hụt bãi đổ thải, Cố vấn Trần Chủng nhấn mạnh đây là một vấn đề nóng của không chỉ dự án này mà còn của nhiều dự án trọng điểm trên toàn quốc.

Cố vấn Trần Chủng yêu cầu các nhà thầu chú trọng công tác đảm bảo an toàn lao động và triển khai các thiết bị hiện đại tại công trường.

Bãi đổ thải không chỉ liên quan đến vấn đề môi trường mà còn ảnh hưởng tới thủy văn và quản lý đất đai. Do đó, khúc mắc này cần được xử lý cẩn trọng”, PGS. TS Trần Chủng khẳng định.

Về tiến độ thi công, Cố vấn Trần Chủng yêu cầu các nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết theo từng ngày, tuần và tháng để DNDA nắm bắt tiến độ. Đặc biệt, Cố vấn Trần Chủng lưu ý các nhà thầu về yêu cầu tự nâng cao năng lực thi công và quản lý công trường.

Tôi muốn nhìn thấy một sự khoa học về tổ chức lao động trên công trường, đâu là bãi trộn, bãi đổ thải, các tuyến đi trên công trường”, ông Trần Chủng nói.

Cố vấn Ngô Văn Quý cho rằng DNDA cần phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tách hóa đơn nhựa đường và sắt thép để thanh toán bán thành phẩm, nhằm bình ổn giá.

DNDA và các nhà thầu phải chú ý việc gì cần nhanh phải làm ngay để tránh gây thiệt hại kinh tế”, Cố vấn Ngô Văn Quý nhấn mạnh và cho biết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, các đơn vị cần hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, đồng thời tăng sản lượng, khối lượng, sớm thanh toán bán thành phẩm để đảm bảo dòng vốn lưu thông liên tục.

Tìm hướng khắc phục địa hình karst

Kiểm tra các hạng mục thi công cầu, đường và hầm của Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hội đồng Cố vấn ghi nhận một loạt vướng mắc của DNDA và nhà thầu. Bên cạnh vấn đề GPMB và các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời, đội ngũ thi công đang phải giải tìm lời giải cho “bài toán” địa chất phức tạp. Vùng núi Đông Bắc, đặc biệt là các tỉnh như Cao Bằng và Lạng Sơn, sở hữu những dãy núi đá vôi cao cùng hệ thống hang động dày đặc.

Đoàn kiểm tra thị sát hiện trường nhánh phải hầm số 2 của Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Địa hình karst thường có các hốc ngầm, hang động và hệ thống sông ngầm ẩn sâu dưới bề mặt, khiến nền móng địa chất không đồng đều và khó dự đoán hình thái cụ thể của từng hang động. Các hang động lớn hoặc hốc rỗng dưới lòng đất có thể gây sụt lún, ảnh hưởng đến an toàn thi công và chất lượng công trình, đòi hỏi phải có các giải pháp kỹ thuật xử lý tương ứng.

Một hang động lớn được phát hiện tại cửa hầm số 1.

Đối với hệ thống hang tại cửa hầm số 1, phía nhà thầu đang đề xuất phương án sử dụng các thiết bị để gia cường hệ thống neo nhằm đỡ vòm hầm. Phần vòm sẽ được gia cường các lưới mắt cáo để lắp hệ thống bơm chống xốp. Phía dưới nền hầm nếu rỗng sẽ được gia cường bằng hệ thống dầm bê tông cốt thép.

Cố vấn Trần Chủng cho rằng vấn đề này cần nhanh chóng có giải pháp và đề xuất đội ngũ chuyên gia cũng như đơn vị tư vấn thiết kế sớm đưa ra các phương án thi công tốt nhất cho phía nhà thầu.

Phát động thi đua 100 ngày

Chiều 18/10, đoàn công tác của Hội đồng Cố vấn tham dự phát động phong trào thi đua 100 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến cáo tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Với tinh thần trách nhiệm cao, DNDA cùng các nhà thầu cùng cam kết triển khai thi công dự án để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời chia sẻ các sáng kiến thi công. Thời gian triển khai phong trào diễn ra từ 18/10/2024 - 26/1/2025 (28 Tết Ất Tỵ).

Đại diện DNDA cho biết đây là giai đoạn hết sức quan trọng, góp phần vào thành công của dự án. Phía DNDA sẽ họp định kỳ để đánh giá tiến độ, từ đó đưa ra các biện pháp để bám sát mục tiêu, các Nhà thầu sẽ đảm bảo khối lượng thi công và đầy đủ máy móc, nhân lực.

Ông Lương Văn Hiệp - Tổng Giám đốc DNDA, cho biết 100 ngày đêm là cột mốc và nhiệm vụ vô cùng thách thức, do đó toàn thể các đơn vị tham gia thực hiện dự án cần đề cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, tận dụng tối đa thời gian đặt ra để hoàn thành sản lượng cam kết.

"DNDA sẽ trao thưởng cho các cá nhân và tập thể đạt thành tích cao nhằm khích lệ tinh thần của toàn thể người lao động Dự án", ông Hiệp tuyên bố.

Đại diện DNDA và các Nhà thầu ký cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công trong 100 ngày đêm.

Kết luận chuyến đi kiểm tra các Dự án, Cố vấn Trần Chủng nhấn mạnh rằng 6 tháng tới là “giai đoạn vàng” để đảm bảo tiến độ thi công. Từng gói thầu cần được giám sát thường xuyên và Tổng thầu phải có trách nhiệm kết nối các gói thầu để đảm bảo tiến độ chung.

Đã phát động thi đua, đã cam kết thì DNDA và các nhà thầu phải thực hiện đúng tiến độ. Cần chủ động giải quyết các nút thắt, khó khăn về GPMB, bãi đổ thải và địa hình karst”, ông Trần Chủng tuyên bố.

Tin bài: Huy Vũ - Ảnh: Tuấn Linh