Hơn 3,1 triệu lượt xe qua cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo trong năm đầu vận hành

26/04/2025     235

Hôm nay (26/4/2025), đánh dấu tròn 1 năm tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo chính thức đưa vào vận hành, phục vụ hiệu quả cho hàng triệu lượt phương tiện, đóng góp tích cực vào kết nối giao thông và phát triển kinh tế khu vực Nam Trung Bộ.

Hàng nghìn lượt xe qua tuyến thông suốt, an toàn mỗi ngày

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo được triển khai theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,25km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm Phải, lưu thông 2 chiều.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo

Theo số liệu từ xí nghiệp quản lý vận hành, từ ngày 26/4/2024 đến nay, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo phục vụ cho hơn 3,1 triệu lượt xe, trung bình gần 8.500 lượt xe qua tuyến mỗi ngày. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, lưu lượng trên tuyến tăng cao đột biến gấp 2-3 lần ngày thường, ngày cao điểm nhất dịp Tết nguyên đán 2025 ghi nhận hơn 25.000 lượt xe qua tuyến.

Ông Đạo Văn Thuỷ - Phó Giám đốc Xí nghiệp QLVH cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, các sự cố xe dừng trên tuyến chủ yếu là do các nguyên nhân như hết nhiên liệu, xe hỏng, sự cố cháy xe đều được phát hiện và xử lý kịp thời nhờ hệ thống giám sát hiện đại kết hợp quy trình ứng trực 24/7 của lực lượng vận hành, không gây thiệt hại về người, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn trên toàn tuyến.

Hình ảnh từ camera cho thấy lưu lượng xe tăng cao dịp tết Nguyên đán 2025

Trên trên tuyến bố trí 4 trạm thu phí, gồm trạm nút giao Du Long (Km70+194), 2 trạm tại nút giao Phan Rang (Km92+815) và trạm thu phí trên tuyến chính (Km133+770). Tất cả các trạm đều đã được lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng, thời gian qua trạm trung bình mỗi xe chỉ mất khoảng 3 giây.

Hiện nay, hầm Núi Vung mới chỉ khai thác một ống hầm cho cả hai chiều lưu thông, khiến năng lực thông hành còn hạn chế. Vào các thời điểm cao điểm, tình trạng ùn ứ cục bộ thường xảy ra tại khu vực cửa hầm. Nhà đầu tư đang kiến nghị để sớm đầu tư, hoàn thiện và đưa vào vận hành đồng thời cả hai ống hầm để tối ưu hiệu quả khai thác và đảm bảo an toàn giao thông.

Hầm núi Vung đang khai thác một ống hầm 2 chiều xe chạy

Sau một năm vận hành, tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo không chỉ hoàn thành tốt sứ mệnh kết nối, mà còn chứng minh hiệu quả khai thác vượt trội về lưu lượng và độ an toàn.

Quản lý vận hành chuyên nghiệp và hệ thống ITS hiện đại

Theo quy trình, Xí nghiệp QLVH thực hiện bảo dưỡng thường xuyên như vệ sinh mặt đường và hệ thống taluy, cống thoát nước, hành lang an toàn giao thông; Kiểm tra, vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống camera; thiết bị phân tích giao thông và phát hiện sự cố, hệ thống đèn điện chiếu sáng, hệ thống ITS, thiết bị trạm thu phí,…

Trung tâm quản lý vận hành hầm Núi Vung

Đặc thù tuyến cao tốc đi qua Ninh Thuận - Bình Thuận là vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận hoang mạc, có lượng mưa thấp nhất cả nước và cường độ nắng rất mạnh, rất dễ xảy ra cháy rừng và thảm thực vật trong mùa khô.

“Đơn vị quản lý vận hành chú trọng công tác phòng cháy, nâng cao cảnh giác và triển khai các biện pháp đồng bộ, trong đó có đốt chủ động tạo đường bao quanh công trình, nhất là khu vực cửa hầm nhằm hạn chế nguy cơ cháy lan thảm thực bì khô làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình và an toàn giao thông”, ông Đạo Văn Thuỷ cho biết.

Không chỉ vậy, đơn vị quản lý vận hành cũng đã biến thách thức thành lợi thế khi tận dụng “cái nắng, cái gió” đặc trưng của địa phương thành nguồn năng lượng tái tạo một cách hiệu quả. Các cụm thiết bị ITS và camera dọc tuyến được vận hành bằng năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Cụm thiết bị ITS “xanh” vận hành bằng năng lượng gió và mặt trời

Đối với hạng mục hầm núi Vung, trung tâm vận hành hầm gồm tổ hợp giám sát - điều khiển bởi các hệ thống ITS, SCADA, hệ thống phòng cháy chữa cháy được lắp đặt xuyên suốt trong hầm với chức năng thu thập các thông tin và phản ứng nhanh nhất có thể nhằm đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt. Hệ thống ITS liên động với hệ thống cơ điện (quạt jet, chiếu sáng, các sensor quan trắc…) đóng vai trò đặc biệt trong xử lý các sự cố xảy ra trong hầm.

Bảng VMS trước lối vào hầm Núi Vung

Trên tuyến có các camera giám sát thông minh ứng dụng AI, hệ thống radar, hồng ngoại, loa phát thanh và bảng điện tử… giúp theo dõi tình trạng giao thông theo thời gian thực. Các camera tích hợp AI có khả năng phát hiện sự cố như dừng đỗ sai quy định, xe ngược chiều, vật cản rơi… và lập tức truyền về trung tâm điều hành để xử lý nhanh chóng, đảm bảo giao thông luôn thông suốt, an toàn.

Dự án PPP kiểu mẫu trong huy động vốn và tiết kiệm cho Nhà nước

Triển khai thực hiện từ tháng 9/2021, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Đúc kết từ kinh nghiệm đã từng tư vấn, thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc tài chính và thủ tục pháp lý tại các dự án trước đây, Tập đoàn Đèo Cả và Bộ GTVT đã trải qua quá trình đàm phán kéo dài để tháo gỡ những vướng mắc bất cập theo luật PPP còn rất mới.

Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo băng qua cánh đồng điện gió và mặt trời

Thời điểm triển khai dự án, bối cảnh chính sách còn nhiều bất cập và rủi ro, các tổ chức tín dụng còn e ngại trước các dự án BOT. Với kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án và tư duy đột phá trong huy động vốn, liên danh nhà đầu tư đã sáng tạo mô hình PPP+ gồm ba cấu phần: vốn Nhà nước (P1+), vốn chủ sở hữu (P2+) và nguồn vốn linh hoạt khác như trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác đầu tư (P3+). Mô hình này giúp giảm phụ thuộc vào ngân hàng thương mại, tăng chủ động tài chính và được xem là hình mẫu cho nhiều dự án tương lai.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là dự án ký kết hợp đồng BOT sau cùng trong 3 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo phương thức PPP, nhưng lại thu xếp xong nguồn vốn sớm nhất để triển khai thi công.

Mô hình này cũng là tiền đề để phát triển lên mô hình PPP++ giúp các dự án khác do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh Nhà đầu tư như Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng… triển khai thành công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và thăm trung tâm quản lý vận hành

Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã đưa ra phương án giảm giá gần 10%, tương đương 891 tỷ đồng khi đấu thầu cạnh tranh từ việc tối ưu công tác quản lý, điều hành dự án theo mô hình tập trung để tiết giảm bộ máy gián tiếp. Công trình có sử dụng thiết bị thi công đã được khấu hao từ các dự án trước đó của Đèo Cả, đồng thời tận dụng tối đa nguồn đá từ đào hầm và đào nền để sản xuất vật liệu phục vụ thi công.

Quá trình thi công Dự án là quá trình vượt khó không ngừng từ “bão dịch” Covid-19, khơi thông nguồn vốn cũng như xử lý những dị thường về địa chất đến “bão giá” liệu xây dựng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”... liên danh nhà đầu tư đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ , hoàn thành dự án về đích đúng hẹn.

Kết nối giao thông, phụng sự xã hội

Không chỉ là công trình hạ tầng trọng điểm, dự án còn góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, giúp họ có cơ hội tham gia và gắn bó lâu dài với công tác vận hành sau khi dự án hoàn thành.

Từ khi triển khai dự án, doanh nghiệp dự án đã ưu tiên tuyển dụng người lao động địa phương tham gia thi công công trình. Khi hoàn thành, doanh nghiệp dự án chủ động đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực này để tiếp tục tham gia công tác quản lý vận hành nhằm tạo việc làm ổn định, lâu dài cho người dân bản địa. Hiện nay nhân sự quản lý vận hành có khoảng 150 người, phần lớn là lao động đến từ các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Nhân sự xí nghiệp quản lý vận hành phần lớn là lao động địa phương

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tuyến cao tốc được đưa vào vận hành nhưng chưa có trạm dừng nghỉ chính thức, nhà đầu tư đã chủ động xây dựng trạm dừng tạm miễn phí để phục vụ người dân. Chỉ trong 20 ngày, trạm dừng tạm được hoàn thiện với đầy đủ tiện nghi như khu vệ sinh sạch sẽ, hệ thống điều hòa, giếng khoan sâu bảo đảm nguồn nước sạch. Việc làm này thể hiện tinh thần phục vụ cộng đồng và quyết tâm đồng hành cùng chính quyền địa phương, nhằm mang lại sự thuận tiện, an toàn cho người tham gia giao thông.

Trạm dừng nghỉ tạm tại Km113 do nhà đầu tư tự bỏ kinh phí xây dựng

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo nối thông cao tốc từ TP.HCM đến Nha Trang, giúp giảm một nửa thời gian so với đi quốc lộ 1, góp phần hoàn thiện hệ thống cao tốc Bắc – Nam, tạo sức bật quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Sau một năm vận hành, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo không chỉ là công trình giao thông trọng điểm mà còn là minh chứng cho hiệu quả mô hình hợp tác công - tư, khẳng định vai trò tiên phong của Tập đoàn Đèo Cả trong đổi mới tư duy đầu tư, vận hành hạ tầng giao thông. Đây là nền tảng quan trọng để tiếp tục lan tỏa mô hình PPP+ ra các dự án chiến lược khác trên khắp cả nước.

Tin bài: Lam Trà - Ảnh: Tô Hùng