Nhiều giải pháp đồng loạt để Hữu Nghị - Chi Lăng thông tuyến cuối 2025

08/05/2025     483

Nhiều giải pháp đang đồng loạt được triển khai tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhằm đáp ứng mục tiêu thông tuyến trong năm 2025 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 7/5, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã đi kiểm tra tiến độ thi công dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng. Tham dự buổi kiểm tra có lãnh đạo các sở, ngành, đại diện Quân khu 1 cùng các đơn vị liên quan; lãnh đạo các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn; cũng như đại diện nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu kiểm tra tiến độ thi công dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng

Báo cáo tại hiện trường, đến nay các nhà thầu đã huy động hơn 2.100 nhân sự và 863 thiết bị, đồng loạt triển khai 89 mũi thi công đào đắp, xây cống thoát nước và cầu dọc toàn tuyến. Địa phương đã hoàn thành bàn giao mặt bằng theo ranh bước FS và dự kiến hoàn thành bàn giao mặt bằng bổ sung theo thiết kế kỹ thuật trong tháng 5/2025.

Ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (đứng đầu liên danh nhà đầu tư) cho biết, theo tiến độ trong hợp đồng dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, đến khoảng tháng 6/2026 công tác thảm nhựa mới bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, dự án đang được đẩy nhanh thi công để đáp ứng yêu cầu hết sức ý nghĩa của Thủ tướng Chính phủ thông tuyến trên lớp bê tông nhựa vào cuối năm 2025, góp phần hoàn thành mục tiêu thống tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Nhằm giải quyết khối lượng công việc lớn tại dự án này, các nhà thầu đã xác lập các mốc tiến độ chi tiết và bám sát thực hiện, tăng cường chi phí bổ sung nhân sự và đầu tư máy móc, thiết bị để tăng ca, tăng kíp, đặc biệt, nghiên cứu thay đổi biện pháp thi công nhằm rút ngắn thời gian triển khai.

Đoàn kiểm tra họp sau khi kiểm tra thực tế hiện trường.

Bên cạnh đó, liên danh nhà đầu tư đã làm việc với Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 1 và GTVT Trung ương 4 để “đặt hàng” bổ sung nhân lực lái xe, vận hành máy. “Chúng tôi đang nỗ lực làm bằng nhiều giải pháp đồng loạt với quyết tâm rất cao”, ông Đông khẳng định và cho biết các nhà thầu trên toàn dự án hiện đều đang đảm bảo hay thậm chí vượt tiến độ.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường lực lượng quân đội hỗ trợ các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án, tại buổi kiểm tra thực địa, Đại tá Nguyễn Văn Lịch – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân khu 1, cho biết hiện các lực lượng của Quân khu 1 đang phải “căng mình” thi công nhiều công trình quốc phòng để đảm bảo tiến độ. Do đó, Quân khu 1 hiện không có đủ máy móc và nhân sự có tay nghề cao để tham gia hỗ trợ dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng.

Chúng tôi sẽ xem xét, rà soát các đơn vị, lực lượng chưa sử dụng đến để hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn và các nhà thầu, dù số lượng có thể không lớn,” đại diện Quân khu 1 tuyên bố.

Đại diện nhà đầu tư cho hay, nếu có sự tham gia của quân đội điều động lực lượng tới hỗ trợ dự án, sẽ đảm bảo đầy đủ điều kiện làm việc, sinh hoạt, chế độ và an toàn lao động theo đúng định mức hiện hành.

Với nhiều giải pháp, dự án đang dần kiểm soát tiến độ để đáp ứng mục tiêu thông tuyến theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, có sự tham gia hỗ trợ của quân đội để bổ sung máy móc thi công, cán bộ kỹ thuật và công nhân lái máy để phân bổ cho các nhà thầu, chúng tôi sẵn sàng phối hợp thực hiện theo tinh thần quân – dân cùng đồng hành để dự án có thể làm tốt hơn nữa”, ông Nguyễn Tấn Đông cho biết.

Thi công đêm tại Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng

Thời gian qua, Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc tại các buổi kiểm tra và cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Mới đây, HĐND tỉnh Lạng Sơn ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 28/4 về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng. Sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ của dự án là 11.899 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 8.200 tỷ đồng (68,91%) còn vốn nhà đầu tư là 3.699 tỷ đồng (31,09%).

Dự án này ban đầu có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia chỉ 50 % là rất khó khăn. Khi tỉnh Lạng Sơn mời thầu, chỉ duy nhất có liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu tham gia”, ông Nguyễn Tấn Đông nói, đồng thời, khẳng định việc điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước không đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, nhà thầu, nhưng rất quan trọng và cần thiết bởi giúp dự án rút ngắn thời gian thu phí, ngân hàng thu hồi vốn sớm hơn nhờ đó dự án sẽ được giải ngân vốn tín dụng tích cực hơn để sớm hoàn thành.

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra thực địa dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, biểu dương nỗ lực tăng cường nhân lực và máy móc của các nhà thầu, qua đó tạo nên không khí thi công khẩn trương, sôi nổi trên các công trường.

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Hồ Tiến Thiệu yêu cầu các địa phương giải quyết dứt điểm các vị trí mặt bằng bãi thải, di dời hệ thống đường điện, thông tin trước ngày 20/5 và bàn giao mặt bằng còn lại trước 30/5 cho các nhà thầu.

Về sự tham gia của quân đội, ông Hồ Tiến Thiệu đề nghị Quân khu 1 rà soát khả năng của các đơn vị, đăng ký với UBND tỉnh và nhà đầu tư để nếu đủ điều kiện cùng tham gia hỗ trợ dự án.

Tin bài: Bắc Hiệp - Ảnh: Hiếu Nguyễn