12/5/2020, mốc thời gian đáng nhớ, tròn 3 năm Tập đoàn Đèo Cả nhận trách nhiệm giải cứu một dự án cao tốc khi đó đang lâm vào bế tắc, khi dưới sự điều hành của nhà đầu tư cũ đã khiến dự án đình trệ 2 năm. Đó là dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Dưới sự vào cuộc của Tập đoàn Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã đi vào vận hành từ đầu năm 2020, giảm tải hiệu quả cho tuyến Quốc lộ 1A vốn đã quá tải.
Câu chuyện 3 năm về trước
Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có điểm đầu tại Km45+100 (giao QL1, Sao Mai, Chi Lăng, Lạng Sơn), điểm cuối Km108+500, nối với điểm cuối dự án QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Tổng chiều dài tuyến cao tốc 63,86km, dự án này có thời gian dài bị đình trệ.
Còn nhớ, ngày 18/11/2017, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam đã có bước phát triển hạ tầng tốt, vượt bậc, trong đó đã huy động được nguồn xã hội hóa cho các dự án BOT là 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án BOT giao thông thời gian qua còn nhiều bất cập, quy hoạch còn chưa làm tốt, còn chồng chéo, có nhiều tuyến đường gây bất bình dư luận, một số tuyến gây bức xúc...
Về việc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Thủ tướng cho biết, Chính phủ thống nhất làm tuyến này bằng hình thức BOT trên tinh thần phải khắc phục những tồn tại hiện nay. Chính phủ sẽ chọn nhà đầu tư theo phương thức tối ưu nhất, có năng lực nhất để sớm triển khai tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn, phấn đấu đến năm 2019 - 2020 tuyến đường này sẽ được đưa vào phục vụ nhân dân.
Và, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả được giao trách nhiệm “giải cứu” Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Sau khi Tập đoàn Đèo Cả bắt tay vào thực hiện dự án, vượt qua rất nhiều thách thức cam go, dự án đã lấy lại tiến độ và uy tín, mùa xuân vừa rồi, gần 64km nói trên đã hoà mình vào huyết mạch giao thông Bắc - Nam trong sự ngạc nhiên, thán phục không chỉ người dân mà còn nhiều cơ quan ban ngành trong hệ thống Nhà nước.
Dọc tuyến quốc lộ, thuộc dự án này có 2 trạm thu phí. Ngay thời điểm đó, nhà đầu tư đã đề xuất bỏ 1 trạm thu phí. Điều này, nhận được sự đồng thuận rất lớn từ phía người dân.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ địa phương, nhà đầu tư bố trí cán bộ tham gia cùng các huyện thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư. Nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ, nhà đầu tư đã bố trí kinh phí 500 tỷ đồng để chi trả bồi thường cho bà con bị thu hồi đất.
Tháng 10/2018, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã trực tiếp có mặt tại công trường thi công các dự án rà soát công việc đang triển khai. Ông Lưu Xuân Thủy nhấn mạnh các đơn vị thi công phải khắc phục vướng mắc quyết tâm hoàn thành cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào đầu năm 2020.
Khẳng định “giá trị thực” giữa muôn trùng khó khăn
Bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/1/2020, Công ty BOT Bắc Giang – Lạng Sơn (Tập đoàn Đèo Cả) đã chính thức đưa vào vận hành, khai thác đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Trong vòng một tháng dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này hoàn toàn được miễn phí.
Việc đưa tuyến đường cao tốc này vào vận hành trong khi Tết Nguyên đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, việc khai thác miễn phí đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn trong dịp Tết Nguyên đán sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu, ước tính khoảng 45 tỷ đồng, trong khi dự án đang bị âm dòng tiền ở thời gian đầu khai thác.
Trước mắt, nhà đầu tư sẽ phải giải quyết bài toán khó của phương án tài chính do việc bỏ bớt một trạm thu phí, miễn giảm phí cho gần 5.000 phương tiện giao thông mà trước đây chưa lường hết được.
Bên cạnh đó, do chưa hoàn thành tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị nên tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn còn cách TP Lạng Sơn 30 km và cách cửa khẩu Hữu Nghị 43 km.
Trước đó, vào ngày 10/1/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức đánh giá tổng thể công tác chuẩn bị và chấp thuận đưa dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào khai thác như đề xuất của nhà đầu tư.
Thông qua thời gian vận hành miễn phí, nhà đầu tư đã có khoảng thời gian đủ để đánh giá toàn bộ hệ thống thu phí, hệ thống bảo đảm an toàn giao thông, rà soát, đối chiếu số liệu và đánh giá lưu lượng, các ảnh hưởng khác nhằm thống nhất với tỉnh Lạng Sơn các giải pháp khắc phục hạn chế của phương án tài chính, bao gồm cả việc bị ảnh hưởng doanh thu.
Hành trình xây dựng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vốn đã gặp nhiều trắc trở, đi vào khai thác lại đúng vào thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành, nhưng cả hệ thống ấy vẫn vận hành đảm bảo cho những chuyến xe qua. Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là câu chuyện điển hình trong công cuộc xây dựng phát triển hạ tầng giao thông, minh chứng rõ nét rằng khi dự án gặp khó khăn, nếu có sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, các bộ, ngành, sự vào cuộc với quyết tâm cao nhất vì lợi ích cộng đồng của nhà đầu tư, quyết liệt của chính quyền trong giải phóng mặt bằng và hỗ trợ của ngân hàng phù hợp thì sẽ tháo gỡ được các nút thắt để đưa dự án đi vào hoạt động, thật sự mang lại “giá trị thực” cho xã hội.
T.T