Hải Vân trong ánh bình minh “hầm xuyên núi”

23/09/2019     189

Trưa một ngày đầu năm 2019, hay tin xe khách chở hơn 20 sinh viên bị lật trên đèo Hải Vân rồi rơi xuống vực, anh Lê Văn Thành lái xe kỳ cựu của Công ty Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân chở tôi lao về phía hiện trường. Tại đó, hàng chục người gồm công an, lính cứu hỏa và người dân địa phương tập trung cứu các nạn nhân.

"Đệ nhất hùng quan Hải Vân"

Những chắp nhặt ở Hải Vân Quan

Vị trí xảy ra tai nạn cách phía bắc chân đèo Hải Vân khoảng 2 km. Trước cảnh xe khách đè đổ cây ngổn ngang dưới chân vực, anh Thành không dấu được sự bàng hoàng: “Một nạn nhân tử vong trên đường tới bệnh viện, một người khác bị đứt lìa cánh tay. Các gốc cây lớn phía dưới đỡ cho chiếc xe không thì còn thiệt hại nặng nề hơn”.

Chuyến xe đen đủi này chở sinh viên Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang, đang trong chuyến đi thực tập. Có thông tin cho rằng họ muốn ngắm cảnh trên đỉnh Hải Vân Quan. Để rồi, cuộc dạo chơi ấy nhận lấy kết quả thảm khốc.

Năm 2005, khi công trình hầm xuyên núi Hải Vân đưa vào vận hành, chặng đường đèo nổi tiếng này chấm dứt sứ mệnh thiên lý Bắc - Nam, Hải Vân Quan đơn thuần trở thành điểm du lịch. Tuy nhiên, Hải Vân vẫn vậy thôi, không bớt được hiểm nguy. Nó luôn là ngọn đèo hiểm trở bậc nhất dọc dải đất chữ S. Dù được nâng cấp, sửa chữa, mở rộng nhưng ở đây, tử thần luôn rình rập những người vượt đèo. Giữa trưa, tại vết trượt mà chiếc xe khách băng qua taluy lao xuống vực, dưới kia những áng mây lững lờ lưng chừng đệ nhất hùng quan không mang lại kỳ thú mà trái lại vết máu, đồ đạc nạn nhân vung vãi, cây cối bị xô gãy ngổn ngang khiến tôi rùng mình.

Là người bản địa, anh Thành lắc đầu như tự hỏi chính mình: “Nhiều tài xế không dám đi vào trưa và trời nhá nhem tối, tại vắng vẻ, chỉ cần mất tập trung là tai nạn xảy ra liền. Thế mà họ vẫn đi, chắc chắn tài xế này lần đầu vượt đèo. Khúc cua này tai nạn nhiều rồi”. Vừa nói anh Thành chỉ tay sang phía bên vách núi đối diện nơi những am thờ vẫn còn phảng phất khói hương.

Mấy năm trước, trong hành trình khám phá Hải Vân Quan, chúng tôi gặp 2 người đàn ông rất đặc biệt tại đây. Một người là Nguyễn Văn Thọ và người còn lại là Nguyễn Bừa. Họ đều gần chạm ngưỡng 60 tuổi, cùng trú tại khối phố 4, phường Kim Liên, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng. Nơi “Đệ nhất hùng quan” này, hai người đàn ông này đều chọn cho mình nghề vá xe cho khách vượt đèo Hải Vân để kiếm sống qua ngày.

Khi vắng khách, hai ông lại quét dọn và hương khói cho những am thờ người xấu số. Ông Bừa chọn phần đèo phía bắc có tên gọi Hải Vân Quan, còn ông Thọ chọn phía nam đèo có tên gọi “Đệ nhất hùng quan” làm nơi mưu sinh.

Những chuyến vượt đèo Hải Vân ra Huế từ những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi lần như thế là một lần đối mặt với sinh tử. Những năm 80-90 của thế kỷ trước, đèo Hải Vân ngày nào cũng có tai nạn xảy ra, và người chết, bị thương do lật xe trên đèo nhiều vô kể. Những am thờ cho người xấu số cứ thế mọc lên dày đặc dọc hai bên đường.

Kể từ sau khi hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành, số người qua lại đèo ít hơn. Nhưng cũng không hiếm vụ tai nạn thương tâm xảy ra được hai ông lão vá xe trên đèo kịp thời cứu giúp đưa đi bệnh viện. Hồi đó, hỏi chuyện ông Nguyễn Văn Thọ đã cứu giúp được bao nhiêu người bị nạn khi qua đoạn đường đèo nguy hiểm này? Ông lắc đầu bảo: “Làm sao nhớ hết”.

Đổi thay dưới chân đèo

Trong dịp tri ân ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/2019) vừa qua, ông Nguyễn Tấn Đông, Giám đốc Ban Quản lý hầm Hải Vân dẫn chúng tôi thăm các gia đình trong diện giải phóng mặt bằng cho công trình hầm Hải Vân 2. Trong số họ là những giáo dân hoặc gia đình chính sách tại khu vực thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Căn nhà ông Nguyễn Văn Cận, một cán bộ lão thành cách mạng nằm cách không xa chân núi Hải Vân. Gần 90 tuổi đời, sống bên chân đèo, ông ở tuổi xế chiều lại được chứng kiến sự đổi thay không ngờ. Tuổi thanh xuân lao mình vào cuộc chiến, khi chiến trường lắng mùi khói súng ông Cận trở về quê. Vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và năm nay ông vừa nhận Huy hiệu 55 tuổi Đảng, nhưng đối với lão thành này, điều phấn khởi nhất đối là lần đầu tiên được đi xuyên núi Hải Vân vào năm 2005, khi hầm đường bộ Hải Vân đi vào vận hành sau nhiều năm xây dựng. “Điều kỳ diệu chỉ người dân Lăng Cô có người thân bên Đà Nẵng, cứ phải vượt đèo thăm nhau với thấy giá trị”, ông Cận nói.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Giám đốc Ban Quản lý hầm Hải Vân thăm gia đình ông Nguyễn Văn Cận

“Lúc nhà nước ta chuẩn bị đào đường xuyên núi Hải Vân (hầm Hải Vân), tôi nghĩ không biết đến khi mô (nào) xong, cứ mong sống đến thời điểm đó để chứng kiến công trình. Vậy mà nay người Việt Nam mình chuẩn bị làm xong ống hầm thứ 2 nữa rồi. Người dân Lăng Cô sẽ được hưởng lợi công trình ni (này) đầu tiên”, ông Nguyễn Văn Cận tâm đắc.

Cách đó không là chỗ ở của mệ Ngô Thị Lợ. Mệ Lợ 87 tuổi, là chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày, năm nay gần tròn 60 năm tuổi Đảng. Gia đình bà thuộc diện giải phóng mặt bằng cho công trình hầm Hải Vân 2. Sau khi tiên phong thực hiện bàn giao mặt bằng và di dời đến nơi ở mới, giờ đây gia đình mệ Lợ đã có cuộc sống khang trang trong căn nhà mới tại nơi tái định cư cách nơi ở cũ không xa.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Giám đốc Ban Quản lý hầm Hải Vân thăm gia đình bà Ngô Thị Lợ

Khi nói về cuộc sống mới với nơi ở mới, mái ấm mới, mệ Lợ vui lắm. Ông Nguyễn Tấn Đông cho biết, các hộ gia đình trong diện GPMB khi chính quyền địa phương đặt vấn đề di dời chỗ ở, họ đã đồng ý đến nơi ở mới với mục đích quê nhà có thêm một công trình để đời.

Hải Vân 2 - Cuộc giải cứu từ lòng núi

Ông Võ Ngọc Trung, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm Hải Vân cho biết, 12 năm vận hành, khai thác (từ tháng 6/2005 đến nay), đã có hơn 20 triệu lượt xe qua hầm. Mỗi lần có sự cố như ô tô chết máy va chạm trong hầm là một lần đội quân quản lý vận hành lại phải đóng hầm giải quyết sự cố.

Thời gian qua, Quản lý vận hành đã ứng trực giải quyết tai nạn rất tốt, có những cuộc giải cứu chỉ tính bằng phút. Tuy nhiên, ông Trung chia sẻ: “Mãi thế này không ổn, phải sớm có ống hầm 2”.

Dự án mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân hơn lúc nào hết lại được trông đợi sớm hoàn thành để đưa vào vận hành góp giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần phát triển thông thương hai miền Nam – Bắc. Tầm quan trọng của việc sớm xây dựng ống hầm thứ 2 tại Hải Vân được đặt ra và xem như cuộc “giải cứu” từ trong lòng núi.

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân với giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2, mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe. Giai đoạn một đã hoàn thành. Giai đoạn 2 đang băng về đích. Dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào vận hành.

PGS.TS. Trần Chủng – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Để giảm thiểu tối đa những yếu tố gây tại nạn, để tránh ách tắc giao thông, để an toàn hơn, tiết kiệm thời gian lưu thông qua hầm thì khi ống hầm thứ 2 đi vào vận hành sẽ giải quyết được những vấn đề đó”.

PGS.TS Trần Chủng cho rằng việc lưu thông 2 làn xe chạy cùng chiều trong ống hầm sẽ khắc phục tối đa các hạn chế về tổ chức giao thông và quản lý vận hành của hầm Hải Vân 1 như hiện nay: Quẩn khí, tốn kém trong vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (3 trạm lọc bụi tĩnh điện), hệ thống hút khí bẩn và cấp khí tươi và nguy cơ mất ATGT do lưu thông 2 làn xe ngược chiều trong một ống hầm... Trong khi đó, hệ thống thông gió dọc với ống hầm lưu thông cùng chiều tạo được dòng không khí sạch (hiệu ứng pít tông), nên theo tính toán chi phí bảo trì chỉ bằng khoảng 40% - 50% chi phí bảo trì cho một đường hầm như hầm Hải Vân hiện nay”.

Hầm Hải Vân

Bộ GTVT cũng đã đánh giá việc triển khai giai đoạn 2 của dự án sẽ góp phần đảm bảo năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân trong thời gian tới, đặc biệt trước đà tăng trưởng lưu lượng phương tiện 10-15%/năm, ngăn ngừa tình trạng quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 hiện nay, đồng thời đồng bộ quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến QL1.

2020, nhức nhối về điểm đen tai nạn tại Hải Vân sẽ được giảm thiểu tối đa, đẩy ký ức tang thương lùi vào quá khứ, rộng mở cơ hội giao thương cho Huế - Đà Nẵng, cho miền Trung và cho cả nước.

Nguyễn Quang Thành