Xác định cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là công trình “trọng điểm của trọng điểm”

03/07/2025     339

Ngày 2/7, Cố vấn Trần Chủng và Cố vấn Ngô Văn Quý đại diện Hội đồng Cố vấn Tập đoàn Đèo Cả đã tới thị sát những “điểm nóng” trên công trường dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Gồng mình thi công trong mưa lũ

Diễn ra trong bối cảnh còn hơn 5 tháng trước mốc thông tuyến dự án, chuyến công tác của Hội đồng Cố vấn được tổ chức nhằm kiểm tra ảnh hưởng sau đợt mưa lũ mới đây, cũng như rà soát các “điểm nóng” để tháo gỡ nút thắt cho dự án. Theo dõi trực tiếp những diễn biến trên các công trường trọng điểm cũng là căn cứ để Hội đồng Cố vấn lên kế hoạch công việc cho 6 tháng cuối năm bám sát yêu cầu của Tập đoàn.

Trải dài qua địa phận Lạng Sơn và Cao Bằng, dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 1 dài hơn 93km bao gồm 2 hầm xuyên núi và 64 cây cầu vượt bắc qua hai dòng sông Kỳ Cùng, Bằng Giang cùng vô số khe suối và tỉnh lộ. Với cấu tạo địa chất karst cùng địa hình hiểm trở, Bộ trưởng Xây dựng trong chuyến kiểm tra ngày 30/6 đã nhận định đây là một trong những dự án thách thức bậc nhất hiện nay trên cả nước.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đợt mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi nhiều hạng mục công trình phụ trợ, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và tài sản của nhà thầu. Thiệt hại lớn nhất là tiến độ bị chững lại dù nhà thầu đã tăng gấp 1,5 đến 2 lần nhân lực và máy móc, khi điều kiện đi lại và thi công trong mùa mưa lũ trở nên khó khăn.

Tại khu vực cầu Km25+790 bắc qua sông Kỳ Cùng trên địa phận xã Hùng Việt, tỉnh Lạng Sơn, mưa lũ đã cuốn toàn bộ 4 cầu tạm, gây gián đoạn hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu.

Mưa lũ cuốn trôi các cầu tạm, gây gián đoạn hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu.

Ngoài ra, khu vực này còn chịu tác động kép do nước sông dâng cao kết hợp với việc các nhà máy thủy điện trong khu vực xả lũ, khiến công địa bị chia cắt, máy móc và công nhân nằm im nhiều ngày chờ việc.

Di chuyển tiếp tới cầu Km28, khu vực hiện đã rơi vào thế “ốc đảo” do nước lũ cuốn trôi cầu tạm, xẻ đôi tuyến đường công vụ độc đạo. Hiện tại, nhà thầu đang triển khai giải pháp xây cầu tạm dạng đập tràn nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động thi công trong giai đoạn cao điểm sắp tới.

Cũng tại khu vực này, Ban Điều hành Tổng thầu đã lên kế hoạch xây dựng một trạm trộn bê tông công suất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thi công cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc mưa lũ cuốn trôi cầu tạm khiến giải pháp này chưa thể phát huy.

Mực nước sông Kỳ Cùng dâng cao khiến một dải dọc tuyến từ Km29 đến Km35 rơi vào tình trạng gần như cô lập, khi xe cộ và máy móc khó tiếp cận do không còn đường công vụ và cầu tạm. Tại địa phận tỉnh Cao Bằng, việc tiếp cận công trường hạng mục cầu Km69+720 khó khăn do đường công vụ hiểm trở.

Để khắc phục, hiện nhà thầu đã đặt cống thoát nước và rải thêm đá hộc lên mặt đường công vụ nhằm đảm bảo phương tiện di chuyển an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho xe cộ máy móc lưu thông.

Chia sẻ về các thách thức hiện tại, ông Phạm Duy Hiếu – đại diện Ban Điều hành Tổng thầu dự án, cho biết thời tiết mưa lũ thất thường cùng khối lượng công việc phát sinh nhằm chuẩn bị cho giai đoạn 2 của dự án khiến việc điều chỉnh trình tự thi công trở nên cấp thiết.

Việc rút ngắn tiến độ dự án khiến các nhà thầu đối mặt với áp lực lớn, khi vừa phải gồng mình khắc phục hậu quả của mưa lũ, vừa khẩn trương triển khai các công việc của cả hai giai đoạn”, ông Hiếu nói.

Phép thử độ bền bỉ

Dưới cơn mưa dần nặng hạt, các cố vấn ghi nhận nỗ lực của Ban Điều hành dự án và các nhà thầu trong việc vừa khắc phục hậu quả mưa lũ, tổ chức công trường khoa học, đưa nhiều hạng mục đường găng đáp ứng tiến độ. Điển hình là hạng mục cầu Km79 bắc qua sông Bằng đã dần tháo gỡ được những nút thắt, ghi nhận tiến triển tích cực.

Bất chấp tình trạng mưa lũ và đường công vụ hiểm trở, các công nhân vẫn nỗ lực đưa hạng mục cầu Km79 về đích đúng tiến độ.

Tại buổi kiểm tra, Hội đồng Cố vấn đã động viên những nỗ lực không biết mệt mỏi của các nhà thầu cùng đội ngũ công nhân trên công trường.

Động viên người lao động trên công trường, Cố vấn Trần Chủng cho rằng đợt mưa lũ vừa qua là phép thử cho độ bền bỉ của các nhà thầu. Bên cạnh đó, cũng giúp các nhà thầu kịp thời nhận diện một số vấn đề tiềm ẩn và khắc phục, ví dụ như nhiều đoạn tuyến xuất hiện hang karst có nguy cơ sụt lún trong tương lai, hay các cung trượt dễ dẫn đến sạt lở.

Hội đồng Cố vấn đánh giá cao phương án bổ sung 6 cầu vượt tại những khu vực địa hình phức tạp do Ban Điều hành dự án đề xuất. Cố vấn lưu ý rằng việc thi công thêm các cầu vượt này sẽ tái định hình đường găng tiến độ của toàn dự án.

Từ nay đến cuối năm, ngoài giảm thiểu tác động của thời tiết, cần chủ động thúc đẩy các đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế kỹ thuật cho các hạng mục mới, đồng thời tập trung đẩy nhanh thủ tục, giúp hồ sơ sớm được phê duyệt để triển khai thi công”, Cố vấn Trần Chủng nhấn mạnh.

Trong hơn 5 tháng còn lại, toàn bộ dự án đặt mục tiêu hoàn thành khối lượng 10 triệu m³ đào và 7 triệu m³ đắp. Tuy nhiên, yếu tố thời tiết, địa chất khu vực và yêu cầu triển khai song song giai đoạn 2 vẫn có thể biến nhiều hạng mục thành “điểm găng” tiếp theo. Vì vậy, Ban Điều hành dự án cần đặc biệt quan tâm, tiếp tục sâu sát công việc với các nhà thầu.

Hội đồng Cố vấn và Ban Điều hành dự án thăm và động viên các công nhân tại hạng mục cầu Km79

Ngoài ra, Hội đồng Cố vấn lưu ý các nhà thầu phải tính toán nguồn lực để huy động nhân công và máy móc ngay khi nước lũ rút, bảo đảm hoạt động thi công liên tục. Một mặt vừa chạy đua với tiến độ, nhưng chất lượng công trình luôn phải được chú trọng, mọi điều kiện an toàn phải được kiểm soát chặt chẽ trước khi triển khai.

Các cố vấn khuyến nghị ban lãnh đạo Tập đoàn coi các dự án Hữu Nghị – Chi Lăng và Đồng Đăng – Trà Lĩnh là những “mặt trận then chốt” và dồn toàn lực trong 6 tháng cuối năm. “Cần coi cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là công trình trọng điểm của trọng điểm”, Cố vấn Trần Chủng khẳng định

Tin bài: Huy Vũ - Ảnh: Tuấn Linh